Một lịch sử 'động đậy'

TP - Ông bạn tôi ở thị xã “lẻ”, ham chuyện xưa, nghe học trò kể trên TV Lê Lợi đánh quân Nguyên rất rầu lòng. Đi du lịch trong nước, ông sửng sốt thấy Hà Nội đặt tên phố mấy ông vua nhà Mạc, Huế có các phố Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Vinh có phố Hồ Quý Ly, rất khác với sách giáo khoa thời ông học. Cái sự ngổn ngang ấy do đâu, và nên có hay không nên có?
GS Phan Huy Lê trong một hội thảo nhìn nhận lại vai trò của nhà Nguyễn trong lịch sử

 Thành ngữ “đóng đinh”

Sau năm 1954, miền Bắc ở trạng thái “thanh bình một nửa”, vì còn là hậu phương cho công cuộc giải phóng miền Nam, sau đó lại đương đầu với chiến tranh phá hoại. Đặc điểm chính trị – xã hội ấy quy định cho ngành nghiên cứu sử  những quan điểm, phương pháp, cách tiếp cận…, nhiều khi còn hệ trọng hơn cả tính khoa học. Sự kiện, con người, giai đoạn càng gần thì ảnh hưởng trên càng lớn. Cho nên, không lạ gì là thời kỳ này, những nhà khảo cổ, nghiên cứu cổ sử lại được độc lập hơn các ngành cận đại, nhất là hiện đại.

Chẳng hạn, người Pháp sang xâm lăng, chấm dứt nền độc lập Đại Việt đã kéo dài ngót hai nghìn năm, thế thì đương nhiên đã là người Pháp thẩy đều là thực dân; những gì họ “bỏ lại” đất nước này chỉ để phục vụ cho sự đô hộ. Chẳng hạn, những ai dính líu đến Pháp thì đều xấu xa, “tay sai phản động”. Để mất nước vào tay quân Pháp, triều đình Nguyễn, đương nhiên phải mắc tội tày đình nhất.

“Đỉnh cao” của việc phê phán nhà Nguyễn rơi vào những năm sáu mươi. Năm 1961, “Lời giới thiệu” bản dịch Đại Nam thực lục của Viện Sử học nhận định: “Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh (1558 - 1888), những công việc mà các vua (chúa) nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy,… tự chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta”. “… không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đoạ nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức”. Bộ Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học xã hội ra năm 1971 đánh giá triều Nguyễn là “tối phản động”, “dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài”, “hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc”…

“Cao trào phê phán” nói trên bắt nguồn từ đặc điểm xã hội, khi khoa học xã hội chưa hẳn được tồn tại hoàn toàn với những mục đích tự thân. Nhưng ngay từ thời kỳ đó, không phải đã không có những nhận thức “khang khác”. Theo GS Phan Huy Lê, chính viện trưởng Viện Sử học hồi ấy, ông Trần Huy Liệu, từng “thổ lộ”, tất nhiên không công khai: “Nói Tây Sơn có công thống nhất đất nước tôi cứ thấy thế nào…”. Đây là điều khả dĩ thống nhất với đánh giá của Trần Trọng Kim (người ông Liệu rất không ưa) trong Việt Nam sử lược, rằng Nguyễn Phúc Ánh đã “đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam”.

Kể thì cũng lạ. Bởi vì trước Trần Trọng Kim, sử liệu và vô số những đánh giá khác đã cho thấy cả những điều tích cực về nhà Nguyễn. Lê Quý Đôn, một “người của chúa Trịnh”, khi nhậm trị ở Thuận Hoá đã viết trong Phủ biên tạp lục về Nguyễn Hoàng: “Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hoà, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Hằng năm nộp thuế má để giúp việc quân việc nước, triều đình cũng được nhờ”.

Người nào vật nào chỗ nấy

Đất nước yên hàn. Mối nguy trực tiếp, sát sạt về một sự đe doạ từ bên ngoài đã lùi ra xa, giới nghiên cứu dần dần được độc lập theo đòi một phương pháp khách quan, khoa học, tôn trọng sự thực lịch sử hơn. Những tư liệu xuất hiện dưới dạng gốc, chứ không phải “thứ cấp” hoặc bị cắt xén. Những nhà nghiên cứu viết điều mình nghĩ. Các hội thảo đã sôi nổi cả về phần “thảo”, chứ không chỉ là cái “hội” với mọi thứ đã “nhất trí cao” trước khi diễn ra.

Nhà Nguyễn là một đề tài lớn thu hút nhiều đánh giá khác biệt, có khi xung đột nhau. Nhưng nói chung các chúa, và vương triều Nguyễn, điển hình là Minh Mạng, được tôn vinh với công hoàn thành thống nhất lãnh thổ, quản lý hành chính. Về văn hoá, hiếm có một vương triều nào để lại được ba di sản được UNESCO công nhận như nhà Nguyễn với cố đô Huế, phố cổ Hội An (vật thể) và nhã nhạc cung đình (phi vật thể). Nảy ra những phát hiện rất thú vị, như Hội An đánh dấu một tư duy mở, giao thương ra thế giới và khu vực, khác hẳn cách nghĩ bảo thủ, khép kín, độc tôn của phong kiến, càng khác cái “bản chất” “sợ biển ngại rừng chỉ loanh quanh đồng bằng của người Việt”. Như Nho giáo Đàng Trong có tính chất “dân gian”, thực tế, không quá “cử tử trường ốc” như Đàng Ngoài… Như phong trào Tây Sơn mang tính chất nông dân rất nặng. Vai trò chúa Trịnh cũng khác, chả phải chỉ gây ra sự phân tranh, họ cũng thúc đẩy cuộc mở mang lãnh thổ.

Dầu sao, trong “ngả rẽ” mới, các nhà khoa học đủ tỉnh táo để nhận rằng bên cạnh những điều trên, nhà Nguyễn đã để mất nước. Công là công, tội là tội, không thể quên được một Nguyễn Ánh đã mời 5 vạn quân Xiêm sang, ký hiệp ước Versailles với Pháp. Độc tôn Nho giáo, khinh bỉ lũ “ngạ quỷ hồng mao”, nhà Nguyễn bảo thủ lạc hậu, để mất nước là đương nhiên. Và cũng chả thể xoá bỏ những gì Tây Sơn đã làm được. Đó là sự khách quan về phương pháp, đem lại sự công bằng lịch sử. Người xưa có những giỏi giang và hạn chế khác với thời nay, bắt họ phải giống ta là vô lối.

Bộ Lịch sử VN tái bản lần thứ nhất gồm 15 tập với nhiều điểm mới, trong đó ghi nhận công lao của nhà Mạc và nhà Nguyễn. Ảnh: V.V Tuân


Sao cho “võ công” với “văn trị” được vô tư

Dường như cách đây hơn năm chục năm, khi đề cương  Lịch sử Việt Nam, cuốn thông sử của thời đại còn đang được tính toán, đã có một vấn đề đặt ra, rằng nên “nghiêng” về mảng dựng nước hay giữ nước? Nói theo cách khác, đây là tương quan giữa “võ công”, để mở mang, bảo vệ đất nước, với “văn trị” - để cho nó ổn định, phát triển. Chuyện chả đi đến đâu, nhưng rõ ràng đến nay đây vẫn còn là thời sự.

Hồ Quý Ly hạn chế số ruộng đất, nô tỳ của quốc thích nhà Trần, phát hành tiền giấy thay tiền kim loại, xứng bậc nhà cải cách lớn. Nhưng để mất nước vào tay quân Minh, ông thường bị coi là một “điểm đen”, không thể sánh với Trần Thủ Độ – cũng “cướp ngôi” đấy chứ. Nguyễn Huệ dùng binh cái thế trước quân Xiêm, Mãn Thanh, dễ được “quên” đi những chuyện ông lục đục trong nhà rồi bị Nguyễn Ánh quật lại.

Đấy là chuyện xa xa. Còn gần gụi thì những ai có đóng góp cho cuộc sống phát triển trong lòng một chế độ chính trị bị phụ thuộc ngoại bang vẫn “lép” so với những người có công đánh bật ngoại bang ấy đi. Buôn bán như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, làm báo, trước tác như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, vì đều là trong “thời Tây”, thành thử đều “có vấn đề” cả. Thợ nấu ăn ngon, con hát giỏi càng vắng bóng. Họ rất phức tạp. Nhưng thời thế nó thế, công tội đến đâu đều nên minh xét. Đơn giản hoá cuộc sống, phân định mọi thứ đều ra “bên địch” với “bên ta” không phải là một thái độ khoa học khách quan, vì thật hiếm có ai toàn vĩ đại hoặc toàn phản động.

Quá khứ bị là cho phẳng phiu, trơn tuột đi sẽ khiến người đương thời chả còn muốn ngắm nghía, trách chi học trò ta không thuộc sử ta. Hình như có thế thì Ăng – ghen mới bảo “lịch sử luôn luôn phải được viết lại”.