Từ việc tạo vốn trong kinh doanh cho đến việc định hướng nghề nghiệp của mình và nhiều vấn đề khác, tuổi trẻ lúc nào cũng phải nhớ quá trình làm việc như thế này:
Đầu tiên, quí vị phải có ý tưởng. Chưa biết ý tưởng đó hay, dở, hoàn hảo hay không hoàn hảo, quí vị phải tiến đến bước kế tiếp là làm thí nghiệm, chứ không thể ngồi ở quán cà phê uống nước rồi bình luận nó hay, dở được. Phải đưa vào thí nghiệm, làm thử một, hai, ba, bốn, năm lần…
Để thận trọng hơn, khi đã có ý tưởng rồi, quí vị đến trao đổi với bạn bè để xem ý kiến của bạn bè như thế nào về ý tưởng của mình. Bạn bè bảo ý tưởng tốt quá thì mình cảm ơn, còn bảo mình khùng thì mình cũng cảm ơn luôn. Đừng có sợ! Đừng hoảng loạn! Đừng vì người ta bảo mình khùng rồi mình sợ quá, bỏ luôn ý tưởng ban đầu. Hoặc nghe người ta nói ý tưởng này hay quá, mình tưởng đâu trúng, mình về đầu tư tiền bạc vào thì cũng không được. Người ta nói thế nào thì kệ người ta, mình cảm ơn hết nhưng mình vẫn giữ quyết định của mình là thí nghiệm ý tưởng này.
Trong thời gian thí nghiệm, người ta có chê chỗ này, chỗ nọ, quí vị cũng đừng sợ gì hết.Dứt khoát không sợ người ta chê chỗ này xấu, chỗ kia dở. Không bao giờ sợ cái đó. Mình mong cho người ta có nhiều ý kiến ngược xuôi và mình lắng nghe vì mình đang làm thí nghiệm mà.
Qua giai đoạn thí nghiệm đó, quí vị sẽ phát triển được ý tưởng khác. Có nhiều khi quí vị chuyển hướng ý tưởng, chuyển hướng mục tiêu, ra mục tiêu, ý tưởng mới. Ban đầu mình không có mục tiêu ấy, nhưng khi làm thí nghiệm xong, đưa ta bàn thảo xong thì mình lại có. Nếu như không có ý tưởng sai lầm hay điên rồ ban đầu, sẽ không có chuyện ý tưởng và mục tiêu hữu ích xuất hiện ra sau đó. Cho nên, đừng sợ sự điên rồ. Không điên rồ thì làm sao gọi là tuổi trẻ được? Sự điên rồ là cần thiết để phát triển tới sự đúng đắn. Sự ngã xuống là cần thiết để có sự trưởng thành, đứng dậy đi tiếp. Nếu không có sự ngã làm sao có sự đi tới?!
Tóm lại, đầu tiên là ý tưởng có thể điên rồ, sau đó là thí nghiệm, thí nghiệm sẽ ra vấn đề, sẽ ra ý tưởng mới, mục tiêu mới, và lại cứ thí nghiệm. Cứ như thế, nó đi hết nguyên cả một đoạn đường cuộc đời của chúng ta và nó không thể dừng lại.
Không có một cái gì gọi là hoàn hảo mà nó đứng im cả. Nó là một quá trình đi mãi tới hết cuộc đời của chúng ta. Do đó, tôi nói chẳng có thành công mà cũng chẳng có gì thất bại cả. Cái thứ nhất là tiền đề cho cái thứ nhì, cái thứ nhì là tiền đề cho cái thứ ba, thứ tư… cái trước cứ tiếp tục làm tiền đề cho cái sau, cứ thế mà đi hết cuộc đời của chúng ta và chẳng có cái nào đứng lại để gọi là hoàn hảo hết.
Sự khác biệt giữa người già và người trẻ
Người già thường bảo thủ ý kiến của họ, và người ta trải nghiệm sự đứng lại để sống với sự bảo thủ ấy. Người ta cho rằng cái gì người ta nói là đúng, cái gì người ta hiểu là đúng, thói quen của người ta là đúng, tất cả là đúng hết. Và đó là “bệnh hoàn hảo” của tuổi già. Tự đầu óc của mình làm cho sự việc đứng lại, làm cho cuộc sống đứng lại, làm cho tất cả mọi sự sinh động đứng lại theo ý mình. Sự thật không có cái gì đứng lại cả, nhưng mà mình tự đứng lại, mình tự tách ra khỏi dòng chảy của cuộc sống, và mình tự sống với sự ảo ảnh hoàn hảo đó. Tuổi trẻ không có cái này.
Tuổi trẻ là động. Tất cả mọi thứ đều thay đổi liên tục. Những kiến thức liên tục phát triển để chúng ta đáp ứng những sự vận động đó. Không để đầu mình dừng lại. Không ngồi một chỗ suy tư, trầm tư. Những gì không cần, quí vị có thể đập, phá bỏ không tiếc. Cứ làm lại, bền bỉ làm lại.
Nội dung được biên tập từ Audio “Tuổi trẻ và tương lai – Chia sẻ kinh nghiệm tránh tái nghiện ma túy” – 27/02/2011
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)