Tình trạng này diễn ra hơn 1 năm, chuột đang khiến người dân vùng này khiếp sợ. Anh Đinh Poch (37 tuổi, làng Kpiêu Kông, xã Đak Tơ Pang) chia sẻ, mới gieo hạt giống xuống đất, chuột đào ăn ngay, hoa màu lên được 3 lá cũng bị cắn thân; cây nào thoát nạn lớn lên cho hạt cũng bị chuột gặm sạch. Gần đến ngày xuống giống nhưng anh Poch nói rằng không dám trồng cây gì vì sợ những đợt “hành quân” của bầy chuột. Không những thế, theo anh Poch, chuột còn “mài răng” phá hoại cả những cây keo lai, xoài, điều và rất nhiều cây trồng khác.
Nhắc đến chuột, anh Đinh Văn Giác (35 tuổi, làng Kpiêu Kông) lắc đầu nói “Càng bắt chúng lại kéo đến nhiều hơn”. Anh kể, người dân trong làng dùng mọi cách từ đặt bẫy, đào hang, đánh bả nhưng hoa màu vẫn bị tàn phá từng ngày. “Có khi trong một đêm tổ diệt chuột của chúng tôi với 20 người bắt được 1 nghìn con. Để bảo vệ hơn 3ha ngô của gia đình, tôi đặt bẫy xung quanh, tối đến soi đèn bắt cũng không hiệu quả, hơn một tuần sau 3ha ngô đã bị bầy chuột gặm sạch. Bao nhiêu công sức vun xới, bón phân, xót lắm”, anh Giác nói.
Trước sức tàn phá khủng khiếp của loài gặm nhấm này, UBND xã Đak Tơ Pang đã thành lập 3 tổ diệt chuột tại các làng Đak Hway, Kpiêu Kông, Brăng với cả trăm người tham gia. Theo thống kê của UBND xã Đak Tơ Pang, trong khoảng 1 năm trở lại đây, chuột đã cắn phá hơn 135 ha cây trồng các loại từ hoa màu đến cây lâu năm. Mức độ thiệt hại từ 30 đến 70%, thậm chí nhiều diện tích thiệt hại 100%. Xã này còn phát động cả phong trào “người người diệt chuột, nhà nhà diệt chuột” và giao nhiệm vụ cho mỗi đoàn viên, thanh niên phải nộp về xã ít nhất 30 đuôi chuột, cùng với đó các thành viên phụ trách thôn, làng vận động người dân bắt chuột, mỗi nhà nộp 20 đuôi…
Ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, ông đã làm việc trực tiếp với xã Đak Tơ Pang để đánh giá mức độ thiệt hại trước tình hình chuột phá hoại cây trồng ở nơi đây. Ông Nam nói đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp giúp xã triển khai các biện pháp diệt chuột, từ việc đặt bẫy, đánh bả, vận động người dân đào bắt, cho đến việc hỗ trợ thu mua đuôi để khuyến khích diệt chuột bảo vệ mùa màng.