Một bộ phận người trẻ đến lễ hội làm gì?

TP - Những ngày đầu Xuân, các nam thanh, nữ tú nô nức trẩy hội. Vì đi lễ hội theo phong trào, nhiều người đã bị toác đầu, mẻ trán, phải đi cấp cứu.
Hàng nghìn thanh niên tranh nhau cướp phết tại Lễ hội cướp phết ở Tam Nông, Phú Thọ năm 2016. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Đi lễ, hội theo phong trào

Ghé qua các đền, chùa nổi tiếng dịp đầu Xuân, dễ dàng bắt gặp nhiều bạn trẻ đi lễ, xin lộc đầu năm. Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), hàng loạt các cô gái trong trang phục váy ngắn cũn cỡn hở lưng, hở rốn, quần tất “hồn nhiên” cúi lạy trước tượng phật. Dù trong chùa có biển thông báo “Không mặc váy, trang phục phản cảm khi vào chùa”, nhưng nhiều cô gái vẫn tự nhiên, như nhiên như không hề hay biết.

Đa số các bạn trẻ đến với lễ hội, đến chùa chỉ để tham quan, đi cho biết hay chỉ để chụp ảnh cùng bạn bè nhằm chứng minh đã đến tham gia lễ hội. Nhiều bạn trẻ chắp tay bái lạy chốn linh thiêng cầu mong điều may mắn, song khi được hỏi về ngôi chùa đang đứng lễ, sự tích lễ hôi, sự tích vị thánh đang bái lạy, thì hầu hết trả lời không biết rõ nguồn gốc.

Bạn Nguyễn Thị Hiền (21 tuổi, Hà Nội) đến Lễ hội phát lương đền Trần (Hà Nam) chia sẻ: “Mình chỉ biết đến đây thắp hương bái lạy và cầu an như mọi người; còn về vị thánh ở đây, mới chỉ đọc qua nên không hiểu rõ. Chỉ biết nhiều người bảo thiêng”. Không chỉ có Hiền, nhiều bạn trẻ khác đi lễ hội theo phong trào, không hiểu rõ ý nghĩa linh thiêng nên đã có những hành vi thiếu văn hoá (nói bậy, chửi tục, hút thuốc lá nơi công cộng, ngồi lên các tượng để chụp ảnh, khắc tên, ký tên lên tượng…).

Bạn Trần Thị Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, đi chùa không nên ăn mặc hở hang. Tốt nhất không mặc váy, kể cả có quần tất bởi chùa là chốn tâm linh. “Ăn mặc lịch sự thể hiện lòng thành kính của mình và người khác nhìn vào sẽ tôn trọng mình hơn. Còn ai muốn khoe thân và vẻ đẹp của cơ thể nên chọn chỗ khác”, Thảo nói.

Đến đánh nhau, cướp lộc

Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhiều bạn trẻ khi đến đây thi nhau trèo qua tường rào để… sờ đầu rùa. Không ít bà mẹ còn khuyến khích con mình cưỡi đầu rùa và thích thú quay phim chụp ảnh một cách phản cảm. “Mình leo vào, sờ đầu rùa đầu năm để mong thành công trong học tập, thi cử đỗ đạt”, một thanh niên vượt tường vào Văn Miếu thản nhiên nói.

“Lần đầu tiên đi xem Lễ hội cướp phết, thấy cảnh các bạn trẻ xô đẩy, tranh cướp để lấy bằng được quả phết mà mình cảm thấy sợ. Bởi hàng nghìn người tranh nhau một quả phết, nếu ai đó không may bị ngã, chắc chắn tính mạng sẽ bị đe dọa. Vì muốn cướp phết, các bạn trẻ còn đánh nhau vỡ đầu, chảy máu, nhiều người ngất xỉu phải đi cấp cứu. Không biết cái gì sẽ đọng lại sau những hành động bạo lực đó?”. 

Phượng Bình, một sinh viên tham dự Lễ hội cướp phết ở Phú Thọ kể

Đi lễ hội để cầu may nhưng nhiều người đã quá lạm dụng dẫn đến xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau mà phần lớn lực lượng tham gia gây gổ là thanh niên. Như tại lễ hội Đền Gióng (Hà Nội), có thanh niên xăm trổ đầy người lao vào đánh, đấm cụ già và đội bảo vệ để “cướp” hoa tre lấy may đầu năm. “Chỉ sau chưa đầy 10 phút, chiếc kiệu hoa đi ra khỏi đền đã te tua vì tâm lý phải có được chút lộc thánh”, một người tham gia lễ hội Đền Gióng kể lại.

Tại lễ hội cướp phết vừa được tổ chức ở huyện Tam Nông, Phú Thọ, hàng nghìn bạn trẻ chen lấn, xô đẩy, thậm chí xảy ra bạo lực khi hò nhau cướp phết. Bạn Phượng Bình (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tham gia lễ hội cướp phết kể: “Lần đầu tiên đi xem Lễ hội cướp phết, thấy cảnh các bạn trẻ xô đẩy, tranh cướp nhau để lấy bằng được quả phết mà mình cảm thấy sợ. Nếu ai đó không may bị ngã, chắc chắn tính mạng sẽ bị đe dọa. Vì muốn cướp phết, họ còn đánh nhau vỡ đầu, chảy máu, nhiều người ngất xỉu phải đi cấp cứu”.

Về việc giới trẻ đổ xô đến các lễ hội, điểm lịch sử, văn hóa đầu Xuân, ông Nguyễn Đình Nhạ, Trưởng phòng Tổ chức và đối ngoại (Bảo tàng Hồ Chí Minh) cho rằng, khi xem cảnh những người trẻ chen nhau cướp ấn Đền Trần, cướp phết ở Phú Thọ cảm thấy buồn và sợ. Mua ấn vì mục đích thương mại, giống như mua quan, bán chức. Tranh giành nhau quả phết mà đánh nhau giống như dịp để người ta trả thù, gây mâu thuẫn. “Đi lễ đầu năm là nét văn hóa đẹp để cầu an lành, để tâm hồn thanh thản, nhưng các lễ hội giờ có quá nhiều biến tướng. Các bạn trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước khi đi lễ hội hãy sống thực tế, đừng sống bằng tâm lý ỷ lại, cầu may. Hãy tự tạo thành công cho mình, hãy là người có văn hóa và biết thưởng thức, tìm hiểu về văn hóa của dân tộc”, ông Nhạ nói.