Một bé gái bị nhốt 8 năm trong cũi

Bé gái ấy có cái tên đẹp, nhưng đã 8 năm qua, em bị cha mẹ nhốt vào cũi. Em phải sống trong cảnh không mặc quần áo, không chiếu, chăn, màn dù khi trời mưa hay gió rét.

Em là Lê Thị Ánh, 13 tuổi, con anh Lê Đình Hùng ở xóm Đình Long 1, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Lê Đình Hùng và Nguyễn Thị Tuyết. Anh chị tỏ vẻ e ngại, không muốn tiếp chuyện và không muốn chúng tôi tiếp cận chiếc cũi, nơi đang nhốt cháu Ánh.

Sau khi nghe chúng tôi giải thích, muốn tìm hiểu hoàn cảnh của cháu và gia đình đưa lên báo để bạn đọc xa gần và các tấm lòng hảo tâm cảm thông chia sẻ, anh chị mới đồng ý.

Trên khuôn mặt hao gày và buồn thảm, nước mắt chị Tuyết tuôn trào, nghẹn ngào bảo chồng dẫn chúng tôi ra vườn thăm cháu, còn chị vào nhà nằm khóc.

Thật không tưởng tượng nổi, trong chiếc cũi bằng gỗ bạch đàn rộng chừng 1m2 để trong một gian chuồng lợn bỏ hoang, đổ nát, mái ngói đã oằn xuống như muốn sập, phía trước và phía sau trống hoác chẳng có gì che chắn.

Một bé gái ở trần truồng đứng trong cũi đang vò đầu bứt tai, thỉnh thoảng đu người lên thành cũi, rồi lại thụp xuống, có lúc cháu lại nằm lăn ra, 2 chân đập xuống sàn gỗ, và bất chợt cười man dại, mắt nhìn bâng quơ, trâng tráo, vô hồn.

Chúng tôi lại gần sát bên cũi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đứa bé chẳng nhận biết được mọi người đang đứng quanh đó, nhưng khi anh Hùng bố cháu, cầm chiếc áo đem sát gần cũi ngay lập tức cháu bé giật lấy, nhai ngấu nghiến, khó khăn lắm anh Hùng mới gỡ ra được.

Anh Hùng nói: “Sở dĩ trong cũi không trải chiếu, không có chăn màn và mặc quần áo cho cháu là vì sẽ bị Ánh xé nát rồi có thể nhai ăn hết”.

Chúng tôi lặng người, xót xa. “Tình cảnh của cháu Ánh là như vậy, vợ chồng tôi không muốn cho thiên hạ biết, có nhiều người tò mò đến xem, hoặc đến thăm chỉ làm cho gia đình thêm đớn đau và tủi phận mà thôi.

Đã 8 năm qua, tôi phải nhốt con gái của mình vào cũi để ngoài này, nhưng chỉ bà con trong xóm biết, chính ông Chủ tịch UBND xã mới biết sự việc này chỉ cách đây ít tháng, và ông đã đề nghị cho hưởng trợ cấp 202 mỗi tháng 60.000 đồng” - Anh Hùng nói trong nước mắt.

Ông Lê Đình Ngọc, ông nội cháu Ánh cho biết: “Hồi chiến tranh chống Mỹ, ông là lính lái xe của đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Giai đoạn 1967-1968, ông đã từng chở hàng hóa vào chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên và nước bạn Lào, có những thời gian sống trong các cánh rừng đã bị Mỹ rải chất độc hóa học.

Năm 1969, bà Nguyễn Thị Loan, vợ ông, có mang mới được  7 tháng thì sinh anh Hùng. Lúc sinh ra Hùng chưa có tóc, đỏ hỏn, bé tí, tưởng không sống nổi.

Nhờ tình thương lớn lao và bàn tay chăm sóc hết lòng của mẹ, Hùng lớn lên nhưng vẫn mang trong người một số bệnh tật như suy nhược cơ thể, đau đại tràng mãn tính v.v…"

Năm 1991, anh Hùng lấy chị Tuyết, năm 1992, sinh cháu Lê Thị Ánh. Khi mới sinh ra Ánh đã có những biểu hiện khác thường như: Không cảm nhận được đói, no, đến lúc 4 tuổi vẫn chưa biết cười, biết nói và không phân biệt được mọi người trong gia đình.

Anh Hùng đã đưa con đi khám ở một số bệnh viện, các bác sĩ đều chẩn đoán Ánh có thể bị nhiễm chất độc da cam từ ông nội, bộ não không bình thường, rất khó chữa trị.

Đến lúc Ánh 5 tuổi còn xuất hiện thêm những hành động như: vớ được bất cứ cái gì quanh người có thể nhai nuốt, cắn  xé từ mẩu gạch, hòn đá, cốc chén, bát đĩa, quần áo v.v…

Thấy không có cách gì ngăn cản được hành động của con, anh Hùng quyết định đóng cũi đem ra vườn nhốt con trong đó, đến nay đã được 8 năm.

Anh Hùng kể: “Về mùa đông thương cháu rét, đem vào nhà, phải trói cả chân tay Ánh nhưng cũng không thể nào giữ được”.

Hiện gia đình họ đang có thêm nỗi lo là Ánh đã 13 tuổi. Cơ thể cũng đang phát triển lớn dần theo năm tháng, nhưng trong điều kiện cháu không để cho mặc quần áo thì đáng ngại quá.

Khó khăn của vợ chồng anh Hùng ngày càng chồng chất. Căn nhà cấp 4 của họ mà ông Ngọc làm cho ra ở riêng ngày mới cưới nay đã hư hỏng nặng. Chị Tuyết vợ anh lại bị chứng đau cột sống và yếu tim, thường bị ngất, có 2 đứa con nữa còn nhỏ dại, một đứa 11 tuổi, còn đứa út mới 2 tuổi.

Nhà chỉ có 2 sào ruộng không có trâu bò để nuôi, sức khỏe của anh Hùng ngày càng giảm sút do bệnh đại tràng mãn tính và suy nhược cơ thể nhưng vẫn phải đi làm thuê ở xưởng cưa, tiền công chẳng đáng là bao.

Bố mẹ anh Hùng nhà ở kề bên nhưng ông bà đã già yếu, chỉ giúp vợ chồng anh hàng ngày cho cháu Ánh ăn và tẩy uế, vệ sinh, canh chừng khi cháu sổng cũi ra ngoài.

Vì đứa con tật nguyền như thế, gia cảnh của vợ chồng anh Hùng ngày càng bi đát, suy sụp cả tinh thần lẫn vật chất. Nỗi ước ao lâu nay của anh là làm sao có tiền xây một gian nhà nhỏ để cháu Ánh ở được kín đáo để che mưa, nắng thay cho chiếc lều chuồng lợn mái đã oằn xuống sắp sập. Trong khi mùa mưa bão đã đến.

Rất mong bạn đọc xa gần, các nhà hảo tâm và các tấm lòng vàng giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau mà gia đình và đứa con tội nghiệp của họ đang phải gánh chịu.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về theo địa chỉ: Lê Đình Hùng, xóm Đình Long 1, xã Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An. Hoặc tòa soạn báo Tiền Phong – 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.