Báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát chuyên đề hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2005-2015 nêu rõ: Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mục tiêu của Chiến lược. Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN tăng 15-20%/năm. Giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010,…
Liên quan đến việc gần đây dư luận xôn xao về đào tạo tiến sĩ của Viện Hàn lâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Số báo cáo liên tục tăng, vậy số này dùng bao nhiêu tiền để có được số công bố quốc tế?
“Chúng ta nói tăng bình quân 19,5% trên năm trong báo cáo chi tiết, đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có kiểm tra trở lại. Viện Hàn Lâm khoa học với số công bố quốc tế là bao nhiêu trong thời gian giám sát, chi bao nhiêu tiền?”, bà Nga nêu câu hỏi.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, số đăng ký công bố quốc tế liên tục tăng qua tài trợ của quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, hàng năm tăng đến 30%. Theo ông Khánh, tất cả các bài báo công bố quốc tế, đầu ra phải có 2 bài báo đăng trên các tạp chí công bố quốc tế có uy tín.
“Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cơ bản tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu về toán, ký, hóa và các khoa học cơ bản. Những lĩnh vực này Việt Nam rất mạnh, nên thời gian qua công bố quốc tế tăng lên rất nhiều, đặc biệt thông qua quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ. Hàng năm quỹ được cấp 300 tỷ đồng”, ông Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh, trung bình một bài báo được công bố quốc tế trên tạp chí uy tín quốc tế khoảng 800 triệu. Tuy nhiên ông Khánh cho biết, số tiền chi phí cho một bài báo quốc tế từ Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam thế nào thì chưa rõ, sẽ xác minh và thông báo lại sau.