> Doanh nghiệp ì ạch cổ phần hóa, thua lỗ liên miên
> 2013: Lạm phát thấp, tăng trưởng cao
> Muốn lãi suất ổn định, phải theo sát lạm phát
Lãi suất 8% mới cứu nổi doanh nghiệp
Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng giám đốc Cty Vissan, ông Văn Đức Mười cho biết, do là doanh nghiệp làm ăn uy tín, có mối quan hệ lâu năm với các ngân hàng nên mức lãi suất vay được các ngân hàng chào khá thấp so với thị trường, ở mức dưới 10%/năm.
Nhưng dù vậy, so với các nước trong khu vực châu Á, lãi suất của Việt Nam hiện ở mức quá cao. Lãi suất cho vay cao không thúc đẩy được sản xuất, không giúp doanh nghiệp giảm được chi phí tài chính, chính vì vậy giá thành đầu ra của sản phẩm bị đẩy lên cao, kéo theo việc không kích thích được tiêu dùng của người dân.
Dự báo ban đầu của chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012, hướng tới mức 10%. Với kỳ vọng lạm phát như vậy, cần thận trọng với những ý định cố gắng hạ lãi suất huy động trong năm 2013. Do đó, xét trên phương diện kinh tế vĩ mô, tôi không ủng hộ việc hạ lãi suất huy động xuống nhanh”.
TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách
“Nhà nước cũng đang phấn đấu giảm lãi suất cho vay đồng thời đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khác. Nhưng lãi suất vay phải giảm xuống nhiều hơn nữa, còn lãi vay dài hạn vẫn ở mức 15%-16% như hiện nay thì vẫn còn rất khó khăn với doanh nghiệp. Nhà nước nên đặt mục tiêu hạ lãi suất cho vay chung cho sản xuất kinh doanh trong năm nay xuống được mức 8% thì rất tốt. Sang năm tới, lại đặt thêm một mức mới. Làm như vậy sẽ giúp phát triển ổn định”- ông Mười nói.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp hàng tiêu dùng có trụ sở ở TPHCM, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã phải tự xây dựng các phương án tài chính riêng cho mình, vì lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao.
“Chúng tôi đã từng huy động vay tiền của chính cán bộ công nhân viên công ty với mức lãi suất tương đương lãi suất huy động đầu vào của ngân hàng. Nhờ cách làm này, chúng tôi gần như không phải vay ngân hàng, dù gần đây nhiều ngân hàng thông báo có các chương trình hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp. Lãi suất vay mà xuống được mức 8%-9% là rất lý tưởng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có sự hồi phục sau khi bị rơi vào tình cảnh khốn cùng vì sức mua yếu, lãi suất cao trong thời gian khá dài”- ông nói.
Có một nghịch lý trong bối cảnh hiện nay là, dù mức lãi suất cho vay bằng USD hiện ở mức khá thấp, từ 5%-7% nhưng rất ít đơn vị dám vay do lo ngại biến động tỷ giá.
“Thực tế cho thấy, dù có mức lãi suất thấp nhưng khi biến động thị trường liên tục trong 3 – 6 tháng thì không doanh nghiệp nào ứng phó nổi. Nhiều doanh nghiệp đã bị khốn đốn trong những năm qua vì biến động tỷ giá, nên thà phải vay bằng tiền đồng với lãi cao còn hơn là bị biến động tỷ giá”- ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Cty Thương mại và Dịch vụ Hợp Thành cho biết.
Khó giảm nhanh lãi suất
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong một tuần trở lại đây, lãi suất huy động VNĐ vẫn ở mức 7,8-8%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng.
Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10-11%/năm. Đặc biệt, một số NHTM cổ phần có quy mô nhỏ vẫn duy trì lãi suất huy động khoảng 12%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Lãi suất cho vay vẫn ở mức khá cao, phổ biến ở mức 9%-12%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 11-15%/năm đối với ngắn hạn, 14,6-17,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn thừa nhận, giảm lãi suất là cả vấn đề với ngành ngân hàng, chứ không thể thực hiện ngay được trong ngày một ngày hai.
Thực tế dù phần lớn tài khoản gửi ngân hàng hiện nay là tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-3. Nhưng lượng tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thuộc diện VIP gửi tại các ngân hàng lại chiếm giá trị lớn nhất.
Có những khách hàng gửi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng/tài khoản kỳ hạn 1 năm trở lên với lãi suất 11% -12%. Lượng tiền gửi của các khách hàng thuộc diện này không phải hiếm.
Một nguyên nhân nữa khiến các ngân hàng không mạnh tay giảm lãi suất cho vay được, theo vị giám đốc này, là do năm 2012 các ngân hàng trên cả nước phải dành tới gần 100.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Mà khoản “tiền chết” không mang lại lợi nhuận này phải thường xuyên duy trì trên bảng cân đối chứ không thể cho vay được, đó là chưa kể khoản tồn quỹ rất lớn khác để thực hiện các nghiệp vụ, chi phí khác để phục vụ cho hoạt động của ngân hàng.
Cùng với đó, do rơi vào năm khó khăn nên ngân hàng cũng chỉ dám chọn mặt gửi vàng, cho vay với các đối tác tin cẩn trong khi việc duy trì giữ chân khách hàng vẫn phải thực hiện.
Những yếu tố này đã khiến chi phí của ngân hàng gia tăng rất mạnh nên dù có sức ép giảm lãi suất thì ngân hàng cũng không thể thực hiện ngay được trong ngày một ngày hai.
Về việc giảm lãi suất huy động, trao đổi với báo chí gần đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cũng cho rằng, với mức lãi suất huy động hiện nay là 8%, ngân hàng phải cộng thêm khoản lãi suất 3% nữa để bù đắp cho các chi phí ngân hàng.
Tính ra, mức vay trung bình cho các dự án của BIDV phải ở mức khoảng 12%. Việc này đồng nghĩa lãi suất sẽ chỉ có thể giảm từ từ chứ không thể thực hiện nhanh trong năm 2013.
TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, nếu thực sự hạ được lãi suất cho vay, thì DN sẽ được lợi và kinh doanh có thể khởi sắc hơn. Song để hạ lãi suất cho vay, cần phải hạ tiếp lãi suất huy động.
Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng có thể ảnh hưởng đến cân đối trên thị trường ngoại hối và lạm phát. Có một đặc điểm là trong năm 2012 vừa rồi, tất cả các kênh đầu tư đều trở nên bất trắc cao độ và lợi suất thấp, nên người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều, bất chấp lãi suất liên tục hạ. Điều này vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2013.
Thậm chí, ta có thể điều hành lãi suất thực âm, tức là lãi suất huy động có thể thấp hơn lạm phát kỳ vọng. Nhưng đó là một hành động rất mạo hiểm, vì rất có thể dòng tiền sẽ đảo ngược và chuyển sang các loại tài sản khác.