Mớm cơm có thể lây bệnh tay, chân, miệng

Bệnh tay, chân, miệng lưu hành hầu hết ở các tỉnh nước ta và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine dự phòng. Các báo cáo trước đây đều cho thấy số người mắc căn bệnh này giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, những ngày gần đây, bệnh bắt đầu có xu hướng gia tăng. Bệnh có thể lây lan nhanh qua nhiều thói quen thiếu vệ sinh hàng ngày.
Lễ hưởng ứng Chiến dịch Quốc gia phòng chống bệnh tay, chân, miệng tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: D.Chiến

Không nên chủ quan

Tay, chân, miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, nhưng ở một số trường hợp có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nặng như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những năm gần đây, bệnh tay, chân, miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến 20/5/2014, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo số ca mắc bệnh này đang gia tăng tại Trung Quốc (675.139 trường hợp mắc- tăng 1,9 lần), Ma Cao (1.321 trường hợp mắc- tăng 1,8 lần), Singapore (6.856 trường hợp mắc- tăng 1,03 lần) so với cùng kỳ năm 2013.

Tại nước ta, tích lũy từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận gần 27.000 trường hợp mắc bệnh tại 62 địa phương, có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc trên cả nước giảm 11,8%, số tử vong giảm 9 trường hợp.

Mặc dù số ca mắc và số tử vong đều giảm so với cùng kỳ năm 2013, nhưng Cục Y tế dự phòng nhận định, trong điều kiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nếu không triển khai các biện pháp tích cực phòng chống thì nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cần cách ly ngay với trẻ mắc bệnh

Để phòng chống được bệnh tay, chân, miệng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Về ăn uống, Bộ Y tế khuyến cáo, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay hay ngậm đồ chơi. Cũng không nên cho trẻ dùng chung, khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Để phòng tránh bệnh, các bậc cha mẹ cũng nên chú ý làm sạch đồ chơi và nơi sinh hoạt hàng ngày. Cần thường xuyên lau sạch bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cánh cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường…

Các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của con em để phát hiện bệnh kịp thời. Trong trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh, cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác. Trẻ bị bệnh cần phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không đưa trẻ đến lớp và chơi với trẻ khác nếu còn biểu hiện của bệnh.

Theo Hoàng Phương

Theo Giadinh.net