CĐS là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP. CĐS là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu.
CĐS làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. CĐS là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Hùng cho biết thêm, Việt Nam bước vào năm thứ tư chuyển đổi số. Trước đó, năm 2020 là năm khởi động CĐS quốc gia, là năm nhận thức về CĐS. Năm 2021 là năm tổng diễn tập CĐS quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022, là năm hành động, là năm chúng ta xác định CĐS là một phương thức phát triển mới, là năm đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Đến năm 2023, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu. Năm 2023 là năm tạo ra các kết quả thiết thực, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức có một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần ba triệu công viên chức, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực. Ngành thông tin và truyền thông đang triển khai bốn trợ lý ảo quan trọng.
Một là trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật vốn hiện nay đã nhiều đến mức quá sức phát hiện của con người.
Hai là trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp. Trợ lý này hỗ trợ cán bộ công chức thực hiện công việc theo quy định. Cán bộ công chức đặt câu hỏi về công việc và trợ lý ảo sẽ tìm ra câu trả lời từ các quy định pháp luật liên quan. Trợ lý ảo sẽ giống như mặt bằng kiến thức của cán bộ công chức. Làm việc với trợ lý ảo thì giống như là đứng trên một hệ thống kiến thức, chất lượng cán bộ công chức vì vậy được nâng lên đáng kể.
Ba là trợ lý ảo ngành tư pháp. Đó là trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, cụ thể là hỗ trợ tra cứu pháp luật (như tra cứu án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý), hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này đã được đưa vào hoạt động và đã giúp giảm thời gian xử lý của thẩm phán giảm tới 30%.
Bốn là trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân. Trợ lý này sẽ trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các qui định của Nhà nước. “Nhờ đó, mặt bằng dân trí được nâng cao cũng là cách để thúc đẩy chất lượng đội ngũ cán bộ công chức”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.