Mới mẻ & thông thoáng

TP - Dù được đánh giá là địa phương có chính sách thu hút đầu tư khá thân thiện, luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, năm 2016, lãnh đạo TPHCM vẫn quyết tâm đổi mới môi trường đầu tư hơn nữa bằng phương châm luôn lắng nghe và thấu hiểu doanh nghiệp.
Nhiều Việt kiều đã về TPHCM đầu tư, làm ăn, sinh sống.

Phục vụ vô điều kiện


Nói về môi trường đầu tư ở TPHCM, lãnh đạo một doanh nghiệp, là Việt kiều Mỹ chia sẻ, doanh nghiệp ông từng làm thủ tục cấp phép đầu tư vào thành phố này mất gần một năm; đây là khoảng thời gian quá dài, quá lãng phí. Sau này thì thủ tục hành chính “dễ thở” hơn một chút, tuy nhiên để việc dám nói thẳng nói thật, bày tỏ tâm tư nguyện vọng về những khó khăn, vướng mắc mà không sợ bị “gây khó dễ” thì có lẽ bây giờ mới là cơ hội.

“Việc doanh nghiệp luôn bị gây phiền hà, khó khăn trong thủ tục hành chính, kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải là lãnh đạo thành phố không biết. Nhưng khoảng cách giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý xưa nay vẫn thế, không chỉ ở một vài địa phương”, bà Nguyễn Phi Yến, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bao bì chia sẻ.

Mới đây, tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn, cho rằng doanh nghiệp còn gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh một phần vì sự nhiêu khê của thủ tục hành chính; kiểu làm việc quan liêu của một số cơ quan ban ngành, cũng như năng lực của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, TPHCM phải nâng cao năng lực của mình, cải cách thể chế, tạo môi trường tốt để doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh  tranh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian tới, sẽ thường xuyên thực hiện các hội nghị bàn tròn đối với các doanh nghiệp theo từng nhóm ngành, để hiểu hơn những khó khăn trong từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau gỡ khó.

Người đứng đầu thành phố cũng khẳng định, cần xác định rõ doanh nghiệp là động lực tiên phong trong quá trình hội nhập, là sức mạnh kinh tế địa phương. Vì thế, các cơ quan quản lý cần thay đổi nhận thức, phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý, phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện. Theo lãnh đạo thành phố, việc đổi mới chính sách thu hút đầu tư phải đồng nghĩa với việc lãnh đạo các sở, ban ngành sẽ lắng nghe một cách thật cầu thị, trân trọng các ý kiến của doanh nghiệp và sẽ giải quyết những cản trở, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động… để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực thật sự”.

Với doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu họ cần nói thẳng, nói thật, nói rõ địa chỉ, kể cả ý kiến phê bình, ý kiến hiến kế cho thành phố… để cùng phát triển, không sợ trù dập vì lãnh đạo thành phố luôn đứng cạnh doanh nghiệp. 

Một góc TPHCM.
Thông thoáng, cởi mở

“Là địa phương đang dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, TPHCM cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở... Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM vẫn mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và thành phố... Chúng tôi luôn xem thành công của các nhà đầu tư là thành công của thành phố”- Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Thanh Liêm- Phó chủ tịch UBND TPHCM mở đầu lời phát biểu của mình như thế, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với hơn 200 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại TPHCM trong tháng 3 vừa qua.

Đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần xây dựng TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói: “Nếu không có đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chắc chắn thành phố không thể đạt được những mục tiêu đề ra”. 
Cũng như doanh nghiệp trong nước, lãnh đạo TP cũng khẳng định luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại TPHCM. “Phấn đấu đến năm 2020 phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 số lượng và chất lượng doanh nghiệp hiện có”, lãnh đạo TP đặt ra mục tiêu. 

Ông David Dương.
Lạc quan

Sau cuộc gặp gỡ với lãnh đạo thành phố mới đây, nhiều doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp trong nước nói họ khá lạc quan trước những tín hiệu thay đổi từ phía những người đứng đầu thành phố. “Tín hiệu đáng mừng”- ông Nguyễn Việt Hồng- Việt kiều Phần Lan, người về Việt Nam đầu tư từ những năm 1990 nói về những chính sách mới mẻ và thông thoáng cũng như quyết liệt từ lãnh đạo thành phố. “Vốn lâu nay thủ tục hành chính đang làm cản bước doanh nghiệp nhưng tôi tin nó sẽ sớm được tháo gỡ”. 

Trao đổi về những nhiệm vụ và việc đổi mới chính sách để thu hút đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thủ tục hành chính, vốn lâu nay làm doanh nghiệp phàn nàn, chính là 1 trong 7 nội dung lớn nhất mà thành phố đặc biệt quan tâm trong năm nay để thúc đẩy đầu tư. Bằng việc tổ chức các cơ chế đối thoại, thiết lập đường dây nóng của các sở ban ngành, của Thành ủy, UBND… nhắm đến giải quyết cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp như một công việc thường xuyên, hằng ngày, lãnh đạo TPHCM cho thấy doanh nghiệp đang cần được coi trọng và chăm sóc hơn bất kỳ điều gì. 

“Tôi tin là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như mình sẽ được chào đón và thoải mái làm ăn ở đây”. 

Ông David Dương, Việt kiều Mỹ

Ông David Dương, một Việt kiều Mỹ và hiện là Tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam nhìn nhận cách làm và chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là cần thiết trong thời buổi hội nhập hiện nay. “Tôi tin là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như mình sẽ được chào đón và thoải mái làm ăn ở đây”- ông David Dương nói. Và, theo ông lâu nay thủ tục hành chính được ví là rào cản nhưng với chỉ đạo quyết liệt cũng như thay đổi cách nghĩ cách làm từ các sở ngành rào cản này sẽ sớm được tháo gỡ. 

Triển khai chính quyền điện tử để minh bạch thủ tục hành chính cũng là cách mà thành phố hơn 10 triệu dân này hướng đến trong việc giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách thu hút các doanh nghiệp đến với thành phố nhiều hơn nữa cả về chất và lượng. 

Chuyến công cán đầu tháng 4 của ông Nguyễn Thành Phong sang các thành phố của Nhật Bản cũng là một trong những bước chuyển trong chính sách kêu gọi đầu tư mà TPHCM tiếp tục theo đuổi.

Thực tế, đóng góp của doanh nghiệp FDI trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố hơn 10 triệu dân này là rất lớn. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho thấy, luỹ kế từ năm 1988 đến cuối 2015, Thành phố có hơn 5.800 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 40 tỷ USD. Trong năm 2015, Thành phố thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 38% so với cùng kỳ 2014, chiếm 20% của cả nước.