> Nhìn từ vụ đắm tàu
> Cục trưởng Hàng hải: Cứu hộ 'bất cập' nhưng 'đã làm rất tốt'
> Cận cảnh con tàu chìm gây bao tang tóc ở Cần Giờ
Tàu làm bằng vật liệu không đạt chuẩn
Chiều 5/8, Bộ GTVT tổ chức họp đột xuất, đưa ra thông tin: tàu bị nạn H29 BP chế tạo bằng Polypropylen copolymer (PPC) - một vật liệu chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn thiết kế tàu biển.
Tàu H29 BP do Cty Cổ phần Công nghệ Việt – Séc chế tạo. Đơn vị sở hữu là Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tàu được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện số 20.22-13/CN-ĐK cấp ngày 16/7/2013. Tàu dài 8,5m, rộng 2,29m, trang bị máy công suất 200HP, vỏ composite đóng năm 2013, được phép chở tối đa 12 người hoạt động trong vùng sông - vịnh, công dụng tuần tra.
Bộ GTVT khẳng định: “Theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Việt Nam, tàu biển phải được thiết kế và đóng theo tiêu chuẩn và quy phạm được công nhận; trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn về vật liệu và quy cách kết cấu thân tàu. Nhưng đối với PPC, hiện nay chưa có tiêu chuẩn này. Đối với vật liệu PPC là vật liệu nhẹ, khác với các loại vật liệu đóng tàu truyền thống, nên trong thiết kế tàu cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến tính ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu”.
Ngày 4 và 5/8, Cục trưởng Cục Hàng hải, ông Nguyễn Nhật, và Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam, ông Nguyễn Anh Vũ, tới Vũng Tàu chỉ đạo trực tiếp việc cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân mất tích. Hai máy bay trực thăng Mi 17 của Quân chủng Phòng không không quân cũng được điều động tham gia, tìm kiếm cứu nạn.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết định thành lập ngay tổ điều tra đặc biệt để điều tra nguyên nhân sự cố và quá trình cứu nạn. Tổ điều tra do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công làm tổ trưởng và các thành viên thuộc Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải, Vụ Pháp chế Bộ GTVT và các chuyên gia.
Bộ trưởng GTVT cũng giao các đơn vị rà soát lại các quy định pháp luật về hàng hải và đường thủy nội địa, kiểm điểm trách nhiệm cung cấp thông tin khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, điều tra làm rõ trách nhiệm của 2 lái tàu cùng xuất bến khi biết có báo hiệu tàu H29 BP bị nạn mà không dừng lại cứu nạn. Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ tai nạn. Chậm nhất đến ngày 20/8, các đơn vị phải có các báo cáo này.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, xác nhận các sai phạm ban đầu của tàu này gồm: Chở quá số lượng người cho phép (30/12), “đi chui”, không làm các thủ tục khai báo xin phép cho tàu xuất bến với các cơ quan chức năng theo quy định và vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn. “Hiện chúng tôi chưa xác định cụ thể số áo phao nhưng xác định là rất ít, chỉ 1/9 người bị chết có áo phao. Số người sống sót cũng có ít áo phao”, ông Nhật nói.
Giấu thông tin
8 giờ 30 phút sáng 5/8, công tác tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân vụ chìm ca nô HP 29-BP đã kết thúc. Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực 3 TP Vũng Tàu (Vũng Tàu MRCC) tìm được thi thể 9 nạn nhân mất tích.
Lúc 7 giờ ngày 5/8, lực lượng cứu hộ phát hiện thi thể anh Đào Mạnh Cường, SN 1985 và anh Nguyễn Bá Đức, SN 1983, đều là công nhân của Cty Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPIPE) thuộc Tổng Cty Khí Việt Nam (PVG). Anh Cường có mặc áo phao, anh Đức không có áo phao.
Theo báo cáo chính thức ngày 5/8 của Vũng Tàu MRCC, ca nô H29 - BP bị chìm chở theo 28 người của PVPIPE cùng thợ máy Nguyễn Văn Dương và thuyền trưởng Nguyễn Duy Phúc từ Khu công nghiệp dầu khí Soài Rạp (Kiến Phước, Gò Công Đông, Tiền Giang) về TP Vũng Tàu để dự đám cưới. Có 21 người trên cano này được cứu sống và 9 người chết.
Theo báo cáo từ MRCC và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu ngày 5/8, lúc 21 giờ ngày 2/8, MRCC nhận tin báo từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện Cty Cổ phần Công nghệ Việt - Séc (Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu).
Tin báo vào lúc 20 giờ 15 phút, tàu không rõ tên chở khoảng 15-18 hành khách đi từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu thì bị nước vào, hết nhiên liệu và chết máy ở khu vực Cần Giờ, TPHCM, nhưng không rõ chính xác vị trí. Toàn bộ hành khách có mặc áo phao.
Thời tiết biển lúc MRCC nhận tin báo xấu (sóng to gió lớn). MRCC đề nghị Đài Thông tin Duyên hải phát thông báo khẩn cấp để phối hợp tìm kiếm, cứu nạn và xác minh thông tin. Ngay sau đó, MRCC điều tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SA 272 (khả năng chịu bão và sóng cấp 7-8) ra hiện trường cùng phương tiện của Biên phòng TPHCM, Bảo đảm an toàn Hàng hải, Cảng vụ TPHCM, Cảng vụ Vũng Tàu, Biên phòng Bà Rịa-VũngTàu (BR-VT) tìm kiếm, cứu nạn.
1 giờ 30 phút sáng ngày 3/8, tàu SA 272 dùng đèn pha công suất lớn quét cùng lực lượng hiện trường, cứu được 17 người, trong đó 14 người được Biên phòng đưa về cấp cứu tại Cần Giờ, 3 người sức khỏe yếu được đưa lên xuồng cao tốc của SA 272 và đưa lên tàu này (vì có điều kiện y tế cấp cứu tại chỗ).
1 giờ 45 phút ngày 3/8, tàu chuyên dụng SA 413 tiếp tục ra hiện trường chỉ huy cứu nạn. Tới 3 giờ 45 phút, lực lượng hiện trường cứu thêm được 4 người, trong đó có hai vợ chồng người Mỹ và đưa những nạn nhân này vào cấp cứu tại Vũng Tàu. Tới 10 giờ ngày 3/8, lực lượng hiện trường phát hiện và vớt được xác nạn nhân đầu tiên.
Theo thông tin từ MRCC, đồng hồ trên tay nạn nhân bị nước biển ngấm vào chết máy lúc 18 giờ 30 phút ngày 2/8. Như vậy, ca nô H29- BP chìm trước 18 giờ 30 phút ngày 2/8, nhưng phải tới 21 giờ, MRCC mới nhận tin báo nạn. Điều này cho thấy phía Cty Công nghệ Việt - Séc đã giấu thông tin, tự xử lý tình huống, nhưng không thành công nên mới cầu cứu Trung tâm Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực 3.
MRCC còn cho biết, ca nô H29-BP chỉ có 22 áo phao, những người lớn tuổi, phụ nữ có mặc áo phao và đại đa số được cứu sống. Những người bị chết đều là thanh niên, không có áo phao. Điều này cho thấy khi ca nô này lâm nạn, phụ nữ và người lớn tuổi được nhường áo phao.
Trong số nạn nhân tử vong có Trần Hữu Hiệp (SN 1988, công nhân kỹ thuật, quê ở Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa là người đã nhường áo phao cho chị Phạm Thị Thu, SN 1990).
Theo nhiều nạn nhân còn sống kể lại, chị Thu chính là người bạn gái mà anh Hiệp yêu mến lâu nay, nhưng chưa dám thổ lộ. Ông John Heinemann, SN 1950, chuyên gia người Mỹ cũng nhường áo phao cho một nhân viên của PVPIPE khi anh này đuối sức. Lúc 3 giờ 45 phút ngày 3/8, lực lượng chức năng tìm được ông (không áo phao) cùng vợ và 2 nhân viên khác của PVPIPE (đều có áo phao) và cả 4 người này được cứu sống.
Cả 3 cano đều thiếu nhiên liệu?
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, có 3 ca nô chở cán bộ, công nhân viên của PVPIPE từ Gò Công Đông về Vũng Tàu để dự đám cưới một người làm cùng công ty, trong đó có 2 chiếc của Biên phòng và một chiếc của Cty Cổ phần Công nghệ Việt - Séc đóng mới chưa bàn giao.
Chiếc H29 – BP có công suất lớn nhất (200 HP) và chở nhiều người nhất: 30. Hai ca nô còn lại chở lần lượt là 20 người và 15 người. Một số nhân chứng nói rằng, 3 ca nô đều chở vượt số người, chạy từ Tiền Giang về Vũng Tàu đều thiếu nhiên liệu và không thuộc luồng lạch, nên không thể hỗ trợ nhau. Ca nô H29-BP thiếu dầu, xin các ca nô bạn dầu, nhưng các ca nô này cũng trong tình trạng tương tự. Một chuyên gia có kinh nghiện của MRCC cho biết khi sóng gió lớn, đáng lẽ ca nô H29-BP không nên đi vào khu vực bãi biển nông.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, ngày 11/6, Biên phòng BR-VT nhận H29-BP từ Việt - Séc để dùng thử. Ngày 9/7, Biên Phòng BR-VT bàn giao lại ca nô cho Việt - Séc để công ty này sửa chữa, hoàn chỉnh ca nô theo yêu cầu của biên phòng (lắp thêm tay vịn, đệm chống va đập, kính gió có cửa sổ) và đăng kiểm. Cty Việt-Séc đã tự ý xuất ca nô trên từ xưởng đóng tàu của mình đến cảng thủy nội địa của (PVPIPE) ở Gò Công để đón khách về Vũng Tàu.