Du lịch văn hóa:

Mỏ vàng chờ khai phá

TP - Trong năm 2023, mục tiêu của ngành du lịch được xác định là phát triển du lịch văn hóa. Ở Việt Nam, việc khai thác giá trị di sản thành sản phẩm du lịch quá khiêm tốn so với tiềm năng.

Dồn lực cho du lịch văn hóa

Du lịch rục rịch bước vào mùa cao điểm, với hai kỳ nghỉ lớn phía trước là dịp lễ 30/4 - 1/5 và ba tháng hè. Tại lễ công bố Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội 2023 sáng 28/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Phạm Văn Thuỷ khẳng định, trong năm 2023, ngành du lịch chú trọng phát triển du lịch văn hoá. “Trước đây, chúng ta hầu hết sử dụng các nền tảng, tài nguyên của du lịch thông qua du lịch tham quan, nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Năm nay, du lịch văn hoá được chú trọng. Doanh nghiệp nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế mà quên đi văn hóa sẽ phải trả giá”, ông Thuỷ nói.

Sắc màu chợ phiên San Thàng TP Lai ChâuẢnh: PV

Nền tảng văn hoá cần được khai thác để trở thành tài nguyên du lịch, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa, từng bước trở thành nội dung quan trọng gắn với phát triển công nghiệp văn hoá. Du lịch tâm linh, lễ hội, tham quan di sản vật thể, tìm hiểu di sản phi vật thể, trải nghiệm ẩm thực… đều là những nội dung có thể khai thác để phát triển du lịch. Hơn 8.000 lễ hội, hàng nghìn di tích ở Việt Nam cũng cho thấy loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng có lợi thế để phát triển.

Phó Tổng cục trưởng TCDL nhấn mạnh, du lịch văn hoá rất quan trọng trong bối cảnh mở cửa và hội nhập sâu rộng. “Văn hóa đi đến đâu, quốc gia dân tộc đi đến đó. Ở Việt Nam, việc khai thác giá trị văn hóa, di sản thành sản phẩm du lịch đang dừng ở mức khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy, trong năm 2023, ngành du lịch đặt quyết tâm cao, kỳ vọng đạt kết quả như mong đợi”, ông Phạm Văn Thủy nêu.

Hà Nội mong muốn xây dựng thương hiệu “Bếp ăn của thế giới”

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa phân tách khía cạnh văn hóa thành nhóm hoạt động du lịch riêng. Dù vậy, trong các sản phẩm du lịch mang tới khách hàng đều có yếu tố văn hóa, thể hiện ở hoạt động tham quan các đình, chùa, tua du lịch lễ hội…

“Ngành du lịch cần sắp xếp lại các hoạt động để hình thành du lịch văn hoá, phân định sản phẩm nào được gọi là du lịch văn hoá. Các trường đại học có khoa đào tạo hướng dẫn viên nên nghiên cứu bổ sung khái niệm du lịch văn hoá trong công tác giảng dạy. Làm du lịch văn hóa phải từ từ, từng bước, không thể vội”, ông Vũ Thế Bình kiến nghị. Ông khẳng định nhu cầu về du lịch cũng phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân. Bước vào mùa du lịch nhộn nhịp, ông Vũ Thế Bình kỳ vọng, du lịch được đặt ở vị trí ưu tiên và là mối quan tâm lớn của người dân Việt Nam.

Định vị sản phẩm du lịch Việt

Để phát triển du lịch văn hoá, tiến đến công nghiệp văn hoá thông qua du lịch, nhiều chuyên gia khẳng định, điều quan trọng là xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật của Việt Nam. Ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của khách thay vì cung cấp cho du khách sản phẩm sẵn có. Sản phẩm du lịch cần tập trung phát huy trong thời gian tới là văn hoá, ẩm thực, đặc biệt là khám phá di sản văn hoá.

“Khi thu hút được khách quốc tế đến Việt Nam, chúng ta góp phần thu hút ngoại tệ, giảm lạm phát, tăng dự trữ ngoại tệ, tăng ngân sách cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung, do vậy cần đổi mới sản phẩm. Sản phẩm quà tặng du lịch cũng là yếu tố mà các địa phương, điểm đến du lịch cần nghiên cứu và xây dựng”, ông Thủy gợi ý. Các địa phương cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để nắm được nhu cầu của khách hàng, từ đó thiết kế những sản phẩm du lịch phù hợp với du khách.

Khi nói về nguồn tài nguyên du lịch văn hoá, Thủ đô Hà Nội luôn là địa điểm được nhắc đến đầu tiên với thế mạnh là nền văn hóa lịch sử nghìn năm văn hiến. Vì thế du lịch Thủ đô xác định hướng xây dựng thương hiệu ẩm thực “Hà Nội - bếp ăn của thế giới”. “Chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm về ẩm thực để thu hút khách đến với Hà Nội, trải nghiệm ẩm thực của Hà Nội cũng như của Việt Nam. Ẩm thực là một trong những tài nguyên mà lâu nay chúng ta vẫn phát huy, nhưng chưa đạt kết quả”, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ chăm chăm tới việc khai thác tài nguyên du lịch để hút khách, các chuyên gia muốn nhắc lại yếu tố môi trường du lịch để phát triển du lịch bền vững. “Vấn đề nóng bỏng hiện nay là rác thải nhựa. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước có mức xả rác thải nhựa cao nhất thế giới. Chúng ta có thể nhìn thấy tại các bãi biển, bãi rác, các điểm đến đầy chai nhựa, túi nilon… Điều này gây ô nhiễm và gây phản cảm”, ông Vũ Thế Bình nói.

Tạo cơ hội vàng từ chính sách thị thực

Ông Phạm Văn Thủy khẳng định, việc giải quyết các điểm nghẽn về visa (thị thực) là nhu cầu cần và điều kiện đủ của các đơn vị kinh doanh du lịch. Đây là mối quan tâm lớn của toàn ngành, nhất là sau dấu mốc Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. “Trước mắt, chủ trương đối với việc cấp visa là mở rộng và kéo dài, nghĩa là mở rộng đối với đối tượng cấp và kéo dài thời gian lưu trú. Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan có vai trò tham mưu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản luật, quy định về visa”, ông Thủy nói và cho biết: Việc mở rộng đối tượng cấp visa và kéo dài thời gian lưu trú của khách là giải pháp phát triển du lịch bền vững. Đó cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung. Sự cạnh tranh về du lịch giữa các nước trong khu vực rất khắc nghiệt. Do vậy, Chính phủ đã mạnh dạn đề xuất với Quốc hội nâng thời gian lưu trú và tăng thêm số nước để cấp thị thực, nhất là thị thực điện tử. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, giúp khách quốc tế sẵn sàng đến với Việt Nam.

NGỌC ÁNH