Ngài là người cực kỳ hiếu học, từng du học nhiều năm tại Đài Loan, Pháp, làm luận án Tiến sĩ Phật học tại Mỹ. Ngài có một đệ tử chân truyền là Đại Đức Thích Minh Phúc - hiện đang trụ trì chùa Kỳ Lân (Gia Phương - Gia Viễn - Ninh Bình) - cũng là người ham học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu.
Trong cuộc hội thảo “Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước” vừa được tổ chức tại Ninh Bình, Đại Đức Thích Minh Phúc đã đặt ra một câu hỏi hết sức lý thú và khoa học là “Thực ra, mộ Đinh Công Trứ (thân phụ Đinh Bộ Lĩnh - vị Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam) đặt ở đâu, phải chăng là “mả táng hàm rồng” như truyền thuyết?
Trong sử, sách hiện có đến ngày nay, chưa thấy dòng nào, chữ nào nhắc đến nơi chôn cất Đinh Công Trứ.
Hầu hết các sách sử chính thống cũng đều chỉ ghi lại: Đinh Bộ Lĩnh là con Đinh Công Trứ vốn là nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Sau khi cha chết thì Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ (Đàm Thị) về quê ở Hoa Lư.
Trong sách “Bái Đính ngàn năm tâm linh huyền thoại” của nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng có nêu về “Truyền thuyết mả táng hàm rồng” như sau: “Dòng Đại Hoàng (sông Hoàng Long ngày nay- PV) chảy sát chân núi Kỳ Lân, tạo nên vùng nước xoáy không ai dám bơi qua.
Bộ Lĩnh có tài bơi lặn, một hôm có người khách đến bờ sông Đại Hoàng, chỗ có vũng nước xoáy, gặp Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu ngụp lặn, khách hỏi: “Cậu có dám lặn xuống vực xoáy kia không?” “Sao lại không!”, Bộ Lĩnh điềm nhiên trả lời rồi lặn xuống, vừa ngoi lên, người khách hỏi: “Dưới vực xoáy có thấy gì không?” Bộ Lĩnh kể đúng những điều mình thấy. Một thời gian sau bỗng thấy vị khách đó xuất hiện mang theo một chĩnh sành bọc kín bằng vải đỏ nói với Bộ Lĩnh: “Chỉ có cậu lặn giỏi, giúp ta đặt chiếc chĩnh vào hang đá dưới vực rồi sẽ thưởng hậu”.
Vốn thông minh, Bộ Lĩnh lặn xuống và quan sát thấy chỗ hang đá như một miệng rồng. Không đặt chiếc chĩnh như lời người khách dặn mà để chiếc chĩnh ngoài miệng rồng rồi ngoi lên. Người khách cẩn thận hỏi lại, tin tưởng, thưởng thêm và dặn không được tiết lộ chuyện này với ai.
Bộ Lĩnh về nhà kể lại cho mẹ và hỏi: “Mả bố con ở đâu?”. Lúc đó vừa đi làm về muộn, bà mẹ buột miệng nói: “Mả bố con mẹ để trên gác bếp!”.
Bộ Lĩnh xuống bếp chỉ thấy một chiếc bọc bằng da gói bộ xương rái cá bèn rửa sạch bồ hóng rồi mang bọc lặn xuống đặt chính giữa miệng rồng.
Chiếc hàm rồng bằng đá bỗng ngậm chặt lấy bộ hài cốt, cả vùng nước xoáy rực sáng, nước sôi lên sùng sục, sấm chớp nổi lên ầm ầm. Đinh Bộ Lĩnh phát vương từ đấy!
Gạt bỏ các yếu tố, tình tiết mang tính huyền thoại, thì một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng, thi hài của Đinh Công Trứ (phụ thân Đinh Bộ Lĩnh) được an táng dưới sông Hoàng Long?
Đại Đức Thích Minh Phúc đã lập luận như sau: người Việt từ xưa đến nay không hề có tục “Thủy táng”. Thứ hai, ở vùng nước xoáy như vậy thì không thể lưu giữ được thi hài.
Và cuối cùng, bộ xương rái cá không thể là hài cốt thân phụ Đinh Bộ Lĩnh được vì, khoa học hiện đại ngày nay dễ dàng chứng minh được con người và rái cá không thể thụ tinh được.
Từ đó, Đại Đức Thích Minh Phúc đã đặt câu hỏi và nêu giả thiết của mình như sau: “Vậy mộ phần đó được đặt ở đâu đây? Một tia hy vọng hé mở để tôi cho rằng, có lẽ, mộ phần đó đã được đặt ở chính Lăng phát tích (nơi có mộ phần của Đinh Tiên Hoàng) vừa mới được Nhà nước trùng tu năm 2009.
Duyên cớ là: Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời Đô, Nhà nước trùng tu nâng cấp Lăng, đơn vị thi công đào móng nâng cấp Lăng thấy nhiều tảng đá có hình thù các con vật, kích thước to nhỏ khác nhau, như có sự xếp đặt trong lòng đất, nhiều tảng đá phải dùng mìn phá, đến độ sâu 2,7m thấy có tảng đá liền, phẳng, kích thước khoảng 3m2 x 3m2, tưởng là đá tự nhiên, tiếp tục dùng mìn phá.
Dưới tảng đá lộ ra hai hũ sành giống nhau, cách nhau 1m nằm song song với sườn núi chiều cao khoảng 40cm, đường kính chỗ phình lớn nhất khoảng 22cm, miệng hũ đường kính khoảng 18 cm, vai phình, thân vát, đáy bằng để mộc, trên miệng hũ có đĩa đậy.
Chiếc đĩa cao khoảng 4cm, đường kính khoảng 20cm, thành cong, đế lồi; men rạn xanh xám, gờ miệng tròn; trong lòng có hoa văn màu xanh nhạt. Bên trong hai chiếc hũ cốt đã hóa đất.
So sánh những hiện vật đó với các cổ vật đời Đường (nhà Đường - Trung Quốc - 618 - 907), thấy có nhiều điểm tương đồng về men cũng như hình dáng.
Tôi tự hỏi rằng, liệu đó có phải là mộ phần của những người dân thường không? Nếu là của những người dân thường sao lại được đặt ở một địa thế như vậy?
Có thể đó là của những người có quyền thế hoặc thuộc tầng lớp quý tộc nào đó và người đặt mộ chắc phải thông tường phong thủy, địa lý.
Và có lẽ, bên trong hũ là những phần cốt đã được hỏa táng. Cuối cùng, tôi nghiêng về giả thiết đó là thuộc về dòng dõi Đinh Tiên Hoàng Đế.
Lý lẽ của tôi vì: Thứ nhất đó không phải mộ của thường dân, mà không phải mộ của thường dân thì là mộ của quý tộc. Vậy quý tộc đó là ai? Ở địa phương này nếu không phải là của dòng tộc Đinh Tiên Hoàng thì không phải là của ai khác. Hơn nữa, hàng nghìn năm nay, con cháu họ Đinh và nhân dân vẫn hương khói phụng thờ Lăng mộ này.
Cũng xin nói thêm, trước thời kỳ đó, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam, tổ tiên nhà Đinh lại uyên thâm Phật pháp nên khi chết có lẽ đã làm phép hỏa táng theo quan niệm của Phật giáo.
Một lý lẽ nữa mà tôi đưa ra là, hai hài cốt này được đặt ở một nơi đắc địa, một điểm hội tụ được mọi khí thiêng của trời đất, sông núi: Cả quả núi được coi là Lăng mộ, núi hình Kỳ Lân, đầu quay về hướng Đông.
Đứng ở phía Đông Nam nhìn Lăng như ngồi giữa ngai vàng… Lăng được đặt vào huyệt đất cực kỳ quý: Huyền Vũ có núi Đỗ Thích, Bạch Hổ có núi Long, núi Hổ (Long chầu, Hổ phục) quay đầu vào Lăng, Thanh Long có dãy đồi Độc Lập như một bày voi quy phục chầu về, Chu Tước có núi Ngũ Nhạc (5 quả núi nhỏ), sông Đại Hoàng uốn lượn ngoằn ngoèo như rồng sống động đầy khí lực chạy sát chân núi Kỳ Lân, mang địa khí bồi bổ cho Long huyệt.
Lăng cao khoảng 20m so với cánh đồng dưới chân núi, đầu núi Kỳ Lân có một hang động rất đẹp, nền động cao hơn vị trí Lăng khoảng 10m, trong đồng là Tòa chính điện thờ Phật.
Cuối cùng, ý kiến của tôi vẫn chỉ là một giả thiết mà biện minh cho nó tôi mới chỉ có bằng ngần ấy lý lẽ mà thôi. Tôi tha thiết đề nghị các cơ quan khoa học, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu vào cuộc để làm rõ giả thiết này.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, giáo sư Đinh Xuân Lâm rất hoan nghênh và tán đồng với kiến nghị của Đại Đức Thích Minh Phúc; đồng thời hứa sẽ góp sức cùng các nhà khoa học để làm rõ giả thiết ấy.
Hai hài cốt này được đặt ở một nơi đắc địa, một điểm hội tụ được mọi khí thiêng của trời đất, sông núi: Cả quả núi được coi là Lăng mộ, núi hình Kỳ Lân, đầu quay về hướng Đông. Đứng ở phía Đông Nam nhìn Lăng như ngồi giữa ngai vàng…