> Ngày sân khấu Việt Nam: Rằng vui thì thật là vui...
Nhường nhau một miếng giữa làng! Bởi vậy, các ca sỹ đã là NSƯT: Tường Vy, Thanh Huyền, Thu Hiền, Thanh Hoa, Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu, Quang Thọ… hầu hết đều không có huy chương vàng bạc gì thêm sau khi đã giành danh hiệu NSƯT nhưng vẫn được tôn vinh và xứng đáng danh hiệu NSND.
Tai sao bây giờ lại phải lấy tiêu chuẩn 2 Huy chương vàng sau NSƯT làm tiêu chuẩn xét NSND? Điều vô lý nhất là một chương trình giành huy chương vàng bạc thì người chỉ đạo nghệ thuật chỉ được tính một nửa huy chương vàng bạc mà thôi.
Điều này trước tiên trái với Thông tư của Thủ tướng năm 2005 ghi rõ: Huy chương vàng bạc trong hội diễn được tính cho người chỉ đạo nghệ thuật khi xét NSƯT và NSND. NSƯT xuất sắc nhất có tài có đức nhất mới được lựa chọn đề bạt làm chỉ đạo nghệ thuật, lãnh đạo các nhà hát, khi đó họ toàn tâm toàn ý lo cho sự nghiệp chung.
Cứ 3 đến 5 năm mới có hội diễn, trong thời gian ấy người chỉ đạo nghệ thuật đã xây dựng hàng chục, vài chục chương trình nghệ thuật có quy mô, chất lượng thành tích này lớn gấp nhiều lần việc giành huy chương vàng bạc trong hội diễn. Vậy có được ghi nhận và chuyển đổi như những huy chương vàng bạc hay không?
Trong một hội diễn chỉ có 1 huy chương vàng, 1-2 huy chương bạc cho chương trình. Trong 10 năm có nhiều nhất là 3 hội diễn. Nhà hát xuất sắc nhất của đất nước cũng không thể liên tục giành huy chương vàng trong 2-3 đợt liền mà thường chỉ 2-3 lần hội diễn mới được 1 huy chương vàng (vì tiêu chí của hội diễn là liên hoan gặp gỡ, học tập kinh nghiệm, đoàn kết động viên nhau).
Theo quy đổi vừa qua của Hội đồng chuyên ngành Bộ VH-TT&DL, người chỉ đạo nghệ thuật muốn đạt 2 huy chương vàng thì đoàn nghệ thuật ấy phải giành 4 huy chương vàng trong hội diễn, tức là phải qua 8-12 hội diễn mới dủ, tức là phải 30 đến 50 năm người chỉ đạo nghệ thuật một đơn vị xuất sắc mới giành đủ 2 huy chương vàng, để đạt tiêu chuẩn NSND.
Ai có thể làm được chỉ đạo nghệ thuật 30-40 năm? Như vậy người xuất sắc nhất được cử làm lãnh đạo cả đời cũng không đạt được danh hiệu NSND.
Rất thiệt thòi cho những người gánh vác sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của đơn vị, của địa phương.
Vậy có nên đặt tiêu chuẩn huy chương vàng, bạc khi xét danh hiệu NSND cho người chỉ đạo nghệ thuật? Hay như trước, hãy xét thành tích cống hiến của họ cho đơn vị, cho địa phương, cho ngành hơn là đo đếm lạnh lùng số huy chương vàng bạc trong hội diễn, một công việc chỉ chiếm 10-15% sự nghiệp của nhà hát?