Miền Trung lại chuẩn bị đón bão cấp 13

TP - Chiều 12/10, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 11 có đường đi khó lường, khả năng sẽ ảnh hưởng khu vực Quảng Nam - Hà Tĩnh. Lúc cập bờ có thể bão giật tới cấp 13-14, gây mưa lớn.

> Biển động mạnh, nhiều tàu gặp nạn
> Quảng Bình mưa to

Đường đi của bão Nari.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, sau khi vượt qua đảo Luzon (Philippines), bão Nari đi vào khu vực biển Đông với tốc độ khá nhanh, trở thành cơn bão thứ 11 ở vùng biển này từ đầu năm đến nay.

Dự báo, bão sẽ đi theo hướng tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ, đến 16 hôm nay 13/10, bão nằm trên khu vực đông nam Hoàng Sa. Theo ông Tăng, khi tiến sát Hoàng Sa bão đạt cấp 13-14, rồi di chuyển chậm lại, có khả năng lái theo hướng bắc và tiếp tục mạnh lên khi đến gần bờ các tỉnh miền Trung.

Ông Tăng cho hay, về khu vực đổ bộ của bão, đến nay có sự khác biệt lớn giữa các đài dự báo quốc tế. Trong khi cơ quan dự báo của Việt Nam cho rằng, bão sẽ đổ bộ khu vực bắc Đà Nẵng, thì Mỹ dự báo vào khu vực phía nam Đà Nẵng, còn Nhật cho rằng bão sẽ vào khu vực Đèo Ngang -Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, theo Tăng, qua việc chạy các mô hình dự báo, khoảng 50-60% khả năng bão sẽ vào vùng Đà Nẵng đêm 14/10, với cấp gió 12-13, giật tới cấp 14-15, mạnh hơn cả bão số 10. Một khả năng nữa (khoảng 30-40%), bão sẽ trườn dọc ven biển từ Đà Nẵng (từ chiều 14/10) lên các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và khoảng ngày 16-17/10 mới vào bờ với cấp độ suy yếu.

Theo cơ quan khí tượng, từ chiều mai (14/10), miền Trung sẽ có mưa, có nơi mưa to đến rất to và kéo dài đến sau ngày 17/10. Mưa sẽ tập trung khu vực từ Đà Nẵng đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, phía nam Thanh Hóa. Ngoài ra, trên biển Thái Bình Dương đang có một cơn bão khác, tên là Wipha, có khả năng đi về phía Nhật Bản, đè cơn bão số 11 về phía Nam. Ngày 14-15/10, một bộ phận không khí lạnh sẽ xuống khu vực vịnh bắc bộ, gây gió mạnh cấp 6-7.

Lên phương án bảo vệ dân khi xả lũ

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đến 16 giờ hôm qua, tuyến biển đã thông báo hướng dẫn cho 56.277 tàu/254.994 người biết vị trí diễn biến của bão để phòng tránh. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 107 tàu (1.008 người), trong đó có 22 tàu của Đà Nẵng đang di
vào bờ.

Trong khi đó, hiện các hồ chứa từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, các hồ chứa thủy lợi nhỏ hầu hết đã tích đầy nước. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng các hồ chứa khoảng 60-80% thiết kế.

Rút kinh nghiệm về xả lũ, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát yêu cần phải có phương án bảo vệ dân khi các hồ xả lũ khẩn cấp.

Các địa phương, chủ hồ cần rà soát độ an toàn các hồ, sẵn sàng các phương án khi xả lũ, đến tận các khu vực bị ảnh hưởng thông báo cho dân biết, khi xả sẽ ảnh hưởng ra sao, có phương án di dời. Các hồ có phương án xả lũ, tránh trường hợp xả lũ cùng lúc, gây thiệt hại lớn.

Theo ông Phát, bão 11 là cơn bão mạnh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Do vậy, bằng mọi biện pháp phải kêu gọi tàu thuyền về bờ, kể cả các tàu vận tải, du lịch; cần chằng chống nhà cửa.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, cần lưu ý các tuyến đê biển, sông, khu vực có nguy cơ cao để sơ tán dân. Ông Phát cũng lưu ý, các địa phương cần bố trí người trông coi, hướng dẫn ở những tuyến giao thông sạt lở, nguy hiểm.

Hơn 1.000 tàu thuyền còn hoạt động khu vực Trường Sa

Chiều 12/10, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho hay: Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa thông báo và hướng dẫn cho hơn 36.000 tàu/150.305 lao động (LĐ) biết vị trí, hướng di chuyển của bão Nari. Trong đó, hoạt động khu vực quần đảo khác: 3.961 tàu/27.285 LĐ và gần 31.000 tàu neo đậu tại bến hoạt động ven bờ đi về trong ngày.

Đáng kể, còn hơn 1.000 tàu tại khu vực quần đảo Trường Sa; tại vị trí Bắc vĩ tuyến 120, Nam vĩ tuyến 140 còn hơn 340 tàu/2.183 LĐ hoạt động, chủ yếu của các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Theo BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, dự kiến chiều nay (12/10), tàu cá Qng 94982TS-công suất 270CV cập cảng Đà Nẵng, hỗ trợ y tế thuyền trưởng gặp nạn trên biển.

Trước đó, sáng 11/10, tàu này đang hoạt động cách Đà Nẵng khoảng 100 hải lý về hướng Đông Bắc thì thuyền trưởng Võ Huy Hoàng, 50 tuổi, bị tai biến, liệt nửa người. Tàu chạy về Cảng Đà Nẵng, yêu cầu được giúp đỡ khẩn cấp.

Đài thông tin Duyên hải Nha Trang cho hay Hải quân vùng 4 đã điều tàu Trường Sa 16 khẩn tốc ra khơi, lai kéo tàu BĐ 96822TS/16LĐ gặp nạn. Ngày 11/10, tàu này do ông Đặng Văn Học, ở thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, làm chủ phương tiện kiêm thuyền trưởng, hoạt động tại vùng biển có tọa độ 10030’N - 116020’E (cách đảo Sinh Tồn Đông 108 hải lý về hướng Đông Bắc) thì tàu bị hỏng máy, thả trôi trên biển.

Chiều 12/10, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng chủ trì, họp khẩn ngành chức năng yêu cầu chủ động ứng phó bão số 11 (Nari). Đến cuối giờ chiều 12/10, Đà Nẵng còn gần 30 tàu thuyền đang trên đường từ Hoàng Sa chạy vào bờ trú tránh bão.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng cho hay: Thành phố thông báo, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm đếm toàn bộ số tàu thuyền quản lý, cập nhật kịp thời diễn biến bão số 11.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương lên phương án sơ tán dân tại vị trí nguy cơ bão đổ bộ gồm nhà không kiên cố, nhà trọ công nhân, sinh viên với phương châm sơ tán gần, tại chỗ lên điểm an toàn.

Vỡ đê, lũ nhấn chìm hàng trăm héc ta lúa

Ngày 12/10, có thêm nhiều đê bao tại các xã Lương An Trà, Vĩnh Phước (Tri Tôn, An Giang) bị nước lũ đe doạ nghiêm trọng khi xuất hiện nhiều sụt lún, vết nứt khiến lãnh đạo huyện phải tập trung cùng người dân hộ đê.

Trước đó, ngày 10/10, một con đê ở xã Vĩnh Phước bị vỡ khoảng 30 mét, nước lũ tràn vào làm mất trắng hơn 40 héc-ta và làm thiệt hại nặng gần 600 ha lúa chưa đến kỳ thu hoạch. Nước lũ năm nay chưa đến báo động 3.

Theo Báo giấy