Mía quá lứa, nông dân 'ngồi trên lửa'

TP - Bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư, chăm sóc suốt cả năm trời, nhiều hộ dân trồng mía ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đứng ngồi không yên cả tháng nay vì nhà máy đường thu mua chậm trễ.
Mía quá lứa, khô héo nằm chờ thu mua.

Hàng nghìn hecta mía quá lứa, cháy khô

Cuối tháng 12/2016, gia đình ông Đinh Hữu Bảy (thôn 9, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ mía nguyên liệu vụ 2/2016-2017 với Cty cổ phần mía đường Đắk Lắk để trồng 35 hecta mía. Theo đó, Cty đầu tư giống, vật tư và tiền mặt quy ra khoảng 30 triệu đồng/hecta cho nông dân trồng, chăm sóc diện tích mía đủ 1 năm là bắt đầu thu hoạch; thời gian thu từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2018. Cty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm mía cho người dân với giá 800 đồng/kg. Tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 3, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là phải hoàn thành việc thu mua mía theo hợp đồng, mà Cty mới thu mua được 14 hecta, số còn lại bị khô héo vì cháy, quá lứa đang nằm phơi ngoài đồng.

Ông Bảy cho hay, việc nhà máy mua chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng mía và thu nhập của gia đình. Ông tính: trung bình 1 hecta mía, nếu chăm sóc tốt, sau một năm cho năng suất đạt từ 100-120 tấn, chữ đường đạt 8 CCS trở lên bán được giá 800 đồng/kg; nhưng khi thu mua chậm, năng suất chỉ còn 70-80 tấn/hecta, chữ đường giảm theo sẽ bị trừ 10%. Chưa kể, mía bị cháy, năng suất vừa giảm, giá bán chỉ 500 – 600 đồng/kg. Vậy nên mía còn nằm ngoài đồng ngày nào thì gia đình ông còn chịu lỗ, chịu thiệt ngày đó. Sốt ruột, ông Bảy chạy lên chạy xuống xin Cty cho lịch chặt mía nhưng chỉ bán được phần diện tích cháy, còn lại phải tiếp tục… chờ, kể cả số mía đã chặt nhưng Cty chưa cho xe đến chở, đành bỏ đống ngoài ruộng.

Gia đình ông Đinh Hữu Bảy chỉ là một trong rất nhiều hộ dân ở xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp đang như ngồi trên đống lửa vì hầu hết diện tích mía trồng còn chưa được thu mua.

Giải pháp là... bình tĩnh chờ!

Chúng tôi đem nỗi khổ của người dân phản ánh đến Cty cổ phần mía đường Đắk Lắk (trụ sở tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp), ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó giám đốc nói “người dân cứ bình tĩnh, mọi việc nằm trong tầm kiểm soát của nhà máy”. Theo ông Lộc, sở dĩ năm trước tiến độ thu mua mía nhanh bởi toàn huyện Ea Súp chỉ có 1.200 hecta mía, năm nay tăng lên 3.800 hecta (gấp 3 lần), chưa kể vùng nguyên liệu ở huyện Buôn Đôn và huyện Chư Prông (Gia Lai) tổng cộng lại hơn 5.100 hecta. Hơn nữa, nhà máy mới di dời từ huyện Cư Jut (Đắk Nông) về địa điểm mới (xã Ya Tờ Mốt), chỉ trong vòng 8 tháng, nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện vẫn phải đưa vào vận hành để kịp thu mua mía cho nông dân. Hiện nhà máy đang hoạt động với công suất tối đa 2.500 tấn/ ngày đêm.

Cũng theo ông Lộc, việc di dời nhà máy đến đây cho thấy phía Cty luôn muốn hợp tác lâu dài với nông dân. Dù hiện nay trên thị trường, giá đường giảm mạnh gây khó khăn cho ngành nhưng Cty vẫn giữ nguyên mức giá thu mua 800 đồng/kg theo đúng cam kết ban đầu. Còn việc mía bị khô cháy, sự cố xảy ra không ai mong muốn. Người dân tổn thất, Cty cũng thiệt hại theo. “Cty khuyên người dân không nên tự ý chặt mía mà phải tuân thủ theo kế hoạch thu mua, tránh trường hợp chặt phơi ngoài ruộng; đồng thời phòng chống cháy mía gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía. Từ đây đến hết tháng 5, Cty cam kết sẽ thu mua toàn bộ diện tích mía còn lại của người dân”, ông Lộc khuyến cáo.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp nói đã có buổi làm việc về tình hình thu mua mía trên địa bàn với Cty cổ phần mía đường Đắk Lắk. Đến thời điểm này còn khoảng 1.800 hecta mía chưa thu hoạch, huyện đã đôn đốc Cty đẩy nhanh tiến độ thu mua cho bà con nông dân. Trong năm tới, nhà máy với nông dân cần có kế hoạch trồng và thu mía hợp lý hơn.