Sáng 15/4, vợ chồng bà Trịnh Thị Tâm phải nghỉ việc đồng áng để lên gặp thầy Thái Duy Hằng (Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An) bàn bạc với nhà trường nhằm tìm giải pháp ổn định tâm lý và động viên em S. tiếp tục đến trường.
Thầy Hằng cho biết: “Giờ gia đình cũng như nhà trường chỉ mong ổn định tâm lý cho em S. sau cú sốc quá lớn, không muốn thêm to chuyện. Mọi chuyện đã có cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nên nhà trường không muốn nói nhiều sợ ảnh hưởng đến việc học hành của em S.
Ở trường, Ban giám hiệu đã giao cho cô giáo chủ nhiệm theo dõi, động viên giúp S. vượt qua khó khăn. Đồng thời, quán triệt tất cả các học sinh không được trêu chọc, nhắc đến chuyện đã xảy ra với em S., tạo môi trường thuận lợi nhất cho em hòa nhập với mọi người, tránh mặc cảm”.
Đưa sổ học bạ ra, thầy Hằng nói: “Em S. rất ngoan hiền, hạnh kiểm tốt”. Tiếp chuyện, bà Trịnh Thị Tâm chia sẻ: “Tôi là mẹ, thấy bức ảnh con mình bị trói, bị người ta bắt đeo tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” cảm thấy xót, đau lòng lắm. Mấy ngày nay, cháu nó buồn, ăn rồi chỉ trốn trong phòng không muốn đi ra ngoài gặp ai hết. Bình thường, S. rất tinh nghịch”.
“Hôm sự việc xảy ra, tôi đi làm xa không về kịp nên phải nhờ người bà con mang 200.000 đồng lên nộp phạt vì siêu thị nói S. lấy trộm 2 cuốn truyện tranh trị giá 20.000 đồng. Sợ cháu nghĩ dại, không muốn đến trường nên gia đình tôi phải cắt cử người luôn túc trực đưa đón cháu đi học. Sau vụ việc, tâm lý cháu thay đổi nhiều lắm” - bà Tâm nói tiếp.
Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 10/4, S. cùng bạn đến siêu thị Vĩ Yên mua giấy kiểm tra. Sau khi dạo một vòng quanh siêu thị, S. thấy hai cuốn truyện tranh về Trạng Quỳnh có nội dung hay nên có ý định mua về đọc. S. bỏ sách vào áo khoác rồi đi xuống tầng 1. Qua cửa kiểm soát của siêu thị, chuông báo động kêu, nhân viên siêu thị đến kiểm tra, phát hiện trong áo S. có 2 cuốn truyện tranh chưa tính tiền.
S. bị nhân viên bảo vệ giữ lại, lấy băng keo dính chặt hai tay S. vào lan can đối diện lối ra vào siêu thị. Sau đó, một nhân viên kế toán vào in tờ giấy có dòng chữ: “Tôi là người ăn trộm”, đem ra bắt S. đeo vào cổ để răn đe...
Được biết, nhân viên trông xe tên Hải đã dùng điện thoại chụp hình S. rồi tung lên Facebook với mục đích “chém gió” nhưng không lường trước được hậu quả nặng nề. Bức ảnh khiến cư dân mạng hết sức phẫn nộ, nhiều thành viên trên mạng còn đòi “tẩy chay” siêu thị Vĩ Yên.
Ảnh hưởng đến nhân cách trẻ
Ngày 15/4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký công văn yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Chư Sê chỉ đạo các đơn vị chức năng và Công an huyện Chư Sê điều tra xác minh, xử lý vụ việc đúng theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 21/4.
Bà Phan Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng GD&ĐT Chư Sê, bức xúc: “Sự việc không lớn nhưng hành vi của những nhân viên siêu thị Vĩ Yên làm đối với em S. khiến tôi rất buồn và đau lòng.
Việc trói tay, bắt đeo bảng “Tôi là người ăn trộm” là quá đáng, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành tâm lý, nhân cách của học sinh mới lớn. S. mới học lớp 7 mà họ đối xử như vậy thì không chấp nhận được”.
Bà Mai phân tích thêm, ở độ tuổi này, các em thường chưa hiểu hết về hành vi sai lệch nên có những cách làm và hành động theo sở thích. Cụ thể, với 2 cuốn truyện tranh chỉ có giá 20.000 đồng, có thể S. thấy thích nên cầm đọc và có ý định lấy mang về nhưng chưa tính tiền.
“Qua sự việc này cũng chưa thể kết luận S. ăn trộm vì kỹ năng đi siêu thị của trẻ em không như người lớn là luôn mang theo tiền trong người. Trước đó, S. gửi cặp sách ở tủ gửi đồ và tiền cũng nằm trong đó. Nếu muốn lấy tiền trả thì phải đi qua cửa kiểm tra. Mặt khác, S. cũng chưa ra khỏi siêu thị. Sự việc này tôi đã báo cáo nhanh qua điện thoại với lãnh đạo Sở để có hướng xử lý tiếp theo” - bà Mai nói.
Còn theo thầy Thái Duy Hằng, hành vi của S. chỉ là bộc phát nhất thời. Cách làm của nhân viên siêu thị đối với S. là quá nông cạn, chưa nghĩ đến hậu quả sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, học hành và tương lai của em.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại, ông Trần Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội Chư Sê cho biết: “Rõ ràng hành vi của các nhân viên siêu thị là quá sai trái”.
Trước mắt, cơ quan sẽ động viên em S. để em không bị khủng hoảng về tinh thần và đề nghị phía siêu thị công khai xin lỗi em S. Tùy vào mức độ, Phòng sẽ làm công văn gửi thị trấn, huyện và các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Đủ cấu thành tội làm nhục người khác
Theo luật sư Phạm Hương Giang (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Hà Nội), tội “Làm nhục người khác” được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự con người.
Theo khoa học hình sự, việc xúc phạm như trên là các hành vi lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông…
Ở đây, dù cháu bé chưa bị những hành vi thậm tệ từ nhóm nhân viên siêu thị, nhưng việc trói tay, bắt đeo biển nhận mình là ăn trộm, rồi công khai trước đông người, thậm chí còn tung lên mạng xã hội với sức lan truyền lớn, cũng có thể được hiểu là hành vi cố tình làm hạ uy tín, danh dự, nhân phẩm của cháu bé.
Bảo Thắng