Cũng như nhiều bà mẹ thời chiến, mẹ Lụt ở Đông Hưng -Thái Bình đã không thể ngăn đứa con gái hiếu thảo trở thành TNXP. Đứa con ấy đã nấp trong đôi quang gánh mẹ mà đi giữa bom đạn, mà lớn lên, nhưng rồi cô đã hy sinh ở một trọng điểm ác liệt là núi Nấp ngay sát cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa.
Cái kẹo gan lỳ
Tôi bám xe của doanh nhân Lê Doãn Thăng về Thái Bình. Chuyện về ông doanh nhân này thì dài lắm. Dài như cái đận ông từng là thày học của những người có danh như nhà thơ Trần Anh Thái. Rồi ông dứt nghề dạy học, từng là nhà đầu tư với dự án mở con đường chạy vòng quanh Hồ Tây những năm đầu 90 nhưng... thất bại thảm hại.
Quê lúa Thái Bình góp cho cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ cứu nước hơn 28.000 TNXP, hơn 500 cô gái chàng trai độ tuổi mười sáu, đôi mươi đã ngã xuống ở các chiến trường.
Chuyện ông bây giờ là người cho thuê cái cơ ngơi bia hơi Lan Chín nổi tiếng ở Láng Hạ, Hà thành như thế nào. Hình như dạo này ông chán kinh doanh, mải mê việc từ thiện? Nghe nói ông lập ra câu lạc bộ Thiện Nguyện thuộc Hội Phật giáo Việt Nam, chuyên đi làm việc thiện.
Slogan hay triết lý của Thiện Nguyện hơi ngồ ngộ là cho đời vui lên tý ti! Tỷ như năm ngoái Thiện Nguyện nổi danh trong việc làm cú huých cho một phong trào thật sôi nổi tiếng hát át tiếng bom của lực lượng TNXP các tỉnh miền Trung.
Không phải những suất quà trân tặng các cựu TNXP thu hút mà là cung cách tổ chức vừa khoa học vừa ấm áp đã cuốn hút mời gọi được rất nhiều cựu TNXP, những người từng đổ mồ hôi xương máu trên mặt trận đảm bảo giao thông những năm liệt oanh tham gia rất sôi nổi. Chuẩn bị cho 27-7 năm nay, Thiện Nguyện hướng về Thái Bình cũng với mục đích ấy...
Tôi đang ngồi ở nhà mẹ Nguyễn Thị Lụt thuộc Hoa Nam, Đông Hưng. Nhà mẹ đông anh chị em tuyền sinh vào những năm khốn khó. Năm lụt lớn ấy đẻ mẹ nên các cụ đặt tên vầy cho dễ nhớ! Chồng mẹ là liệt sĩ hoạt động bí mật hy sinh năm 1949 tại mặt trận Hà Đông.
Khi ông nằm xuống không hề biết ở quê nhà, người vợ ông vừa sinh hạ cô con gái còn đỏ hỏn. Đẻ năm Sửu (1949) đặt luôn cái tên Sửu. Trận càn Trái Quýt vùng hữu ngạn sông Hồng ác liệt năm ấy khiến dân vùng cài răng lược Hoa Nam, Đông Hưng khốn đốn tứ tán hàng tháng giời.
Đôi quang gánh mẹ luôn trên vai một bên là cậu Thạo con trai hai tuổi bên kia là cái Sửu chưa được một tuổi cứ thế chạy. Rồi yên hàn. Hòa bình lập lại mẹ mới 23 tuổi. Xinh xắn nết na, nhiều đám đánh tiếng nhắn nhe. Nhưng cô Lụt cứ ở vậy bỏ ngoài tai mọi lời mời mọc. Tuổi thanh xuân dần vèo đi cho việc chăm hai con khôn lớn. Anh con trai Chu Văn Thạo được tuyển đi công nhân gang thép Thái Nguyên. Cô con út Chu Thị Sửu ở nhà với mẹ.
... Những ngày vui sao cả nước lên đường xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục. Xóm dưới làng trên con trai con gái... Ca từ trong một ca khúc thời ấy không hề là thứ khẩu hiệu tuyên truyền mà là thực, rất thực như tình cảm của lương dân Việt những năm cuối 1960 hướng ra mặt trận.
Cô bé Sửu nhiều đêm nũng nịu sà vào lòng mẹ xin cho đi TNXP. Ôm lấy cô con gái cưng, mẹ cười nhưng giọng thảng thốt Bé như cái kẹo này thì đòi đi đâu? Anh mày đi rồi nhà còn mỗi mẹ mỗi con...
Bà mẹ yên trí cái Sửu tiếng là nhớn nhao nhưng lớn cau nhớn dừa chứ mới 16 tuổi thế này thì bộ đội với TNXP ai người ta tuyển? Nó mà đi, trời ơi nhỡ có bề nào. Điều lo lắng của mẹ không nhụt được cái tính gan lỳ như bố nó với kiểu nũng nịu khiến mẹ mềm lòng.
Những ngày áp Tết năm 1965 cô con gái bé như cái kẹo của mẹ náo nức cùng chúng bạn nhập vào đại đội TNXP thuộc Tổng đội TNXP Thái Bình.
... Đêm đêm trong căn nhà mái rạ vẹo xiêu không đèn lửa, mẹ Lụt co ro khó ngủ. Thư nào, chị cũng con nhớ mẹ dặn mẹ phải giữ gìn sức khỏe. Được cái hắn rất chăm viết thư.
Một lần trong thư biên về nó bảo đơn vị đang đảm bảo giao thông ở nơi có cái tên đến lạ núi Nấp ở Thanh Hóa! Nó còn trêu mẹ, Nấp nghĩa là trốn. Vậy nên ở đây an toàn lắm. Chị em đi cùng đợt ở với nhau vui lắm mẹ ạ!
Ùng oàng bom xa, bom gần. Nhẩm tính thế mà đã gần 2 năm cái Sửu xa nhà. Không phải cái hôm tin dữ báo về mẹ mới biết cái Sửu của mẹ đã hy sinh mà là từ mấy hôm trước. Ấy là hôm nọ đương giữa ban ngày ban mặt tự dưng nó đứng lù lù bên cạnh! Hỏi gì không nói lại lặng lẽ đi... Trời ơi nó lừa cả mẹ. Dám bảo núi Nấp là trốn là an toàn lắm.
Người ta nói lại mẹ mới biết đó là một trọng điểm ác liệt gần ngay sát cầu Hàm Rồng, nơi căn cứ kho tàng đường sắt đường bộ dẫn vào đó. Trận bom chập tối ngày 11 - 5 - 1967 ác liệt ấy, địch quyết cắt đứt nhánh đường sắt đường bộ từ kho dẫn ra cầu Hàm Rồng.
Ta quyết giữ. Tất cả mọi lực lượng được huy động để thông đường. Bom dội tiếp. Thương vong lớn. 13 cô gái đi cùng đợt cùng tiểu đội với Sửu lần lượt hy sinh trong buổi tối ấy. Sau nhiều năm lãng quên, năm 2009, tiểu đội của Sửu đã được vinh danh Anh hùng LLVT.
Chuyện ông ngoại cảm
Buổi chiều nắng, vắng, chỉ có âm thanh khấn khứa gì đó rầm rì trước bàn thờ chị Sửu... Tới lúc này, tôi mới chợt nhận ra nhà ngoại cảm đi cùng ông Thăng cứ thành tâm chắp tay lên đầu.
Trong bàn tay chụm là nén hương cháy dở. Không biết ông khấn khứa những chi trong lúc mọi người đã vơi ngưng việc khấn vái. Bất đồ bên tôi, chị Chiến ủy viên thường vụ Hội Cựu TNXP Thái Bình từ từ khuỵu xuống mặt tái dại. Nắng nôi thế này có khi phải cảm. Mọi người đưa chị sang ghế bên xoa dầu. Bỗng chị Chiến hướng về phía mẹ Lụt cất giọng khàn khàn con là Sửu đây mẹ ơi...
... Viết đến đây, ai đó chớ vội riệt cho tôi lẫn cái ông ngoại cảm đi cùng với ông Thăng là tuyên truyền mê tín dị đoan! Nhưng sau này chắp nối lại những gì bà Chiến chuyện trò ngắt quãng với mẹ Lụt cùng người chị dâu của chị Sửu là Bùi Thị Xẻ (vợ ông Thạo) tôi mang máng hiểu ra cái điều mầu nhiệm của âm phần mà trước nay tôi vẫn sao nhãng lẫn nghễnh ngãng.
Và cũng may, những thông tin chiều ấy từ bà Chiến phát ra toàn những chuyện lành, việc lành. Những thông tin nội bộ gia đình gia tộc, cũng chả nên chép ra đây. Nhưng đại để nằm ở nghĩa trang trong Thanh Hóa cũng như khi đưa về nghĩa trang xã nhà, chị Sửu không thấy cô đơn vì có đồng đội kề bên. Rằng chị chẳng thiếu thốn thứ gì. Ngày lễ tết hay sóc vọng (rằm, mồng Một) nhớ thắp hương cho chị.
Lạ là mẹ Lụt sau khi trò chuyện với cô gái út, mẹ vẫn bình thản như khi chúng tôi tới. Cứ như thể những chuyện vừa rồi cô con gái mẹ thi thoảng vẫn trao đổi với mẹ vào những đêm những thời khắc nào đó? Mẹ cười lặng lẽ, thôi cũng yên tâm từ ngày đưa nó từ Thanh Hóa về và nhà cửa sửa sang lại mẹ thấy khỏe hẳn ra.
Ông con trai cả Chu Văn Thạo thì dụi đôi mắt đỏ hoe. Ông kể lại chuyện hồi chuẩn bị vào bộ đội, từ khu gang thép Thái Nguyên ông tranh thủ tạt qua nhà. Khi ấy ông chưa biết em gái vừa hy sinh.
Từ lúc lên tàu ở Thái Nguyên ông cứ thấy bụng nhâm nhẩm đau. Thời gian từ Thái Nguyên về Đông Hưng Thái Bình hết tàu xe lại đi bộ, bụng cứ đau thúc lên. Có khi phải ghé qua bệnh xá nào đó? Cơn đau rộ lên khi ông bước vào nhà.
Cầm trên tay năm gói thuốc lá Thu Bồn (thứ thuốc lá thịnh hành hồi đó như Trường Sơn) và hai lạng chè em gái gửi về nhà trước đó nói mẹ dành cho anh trai, Thạo khóc anh nhận được quà rồi em ơi nhưng em lại chẳng còn... tự dưng cơn đau bụng biến mất. Ông Thạo sau đó vào bộ đội ở Mặt trận B3 (Tây Nguyên) bị thương mất cánh tay phải.
Bữa ghé qua khu vực núi Nấp huyện Đông Sơn Thanh Hóa mới tường hết vị thế hiểm yếu chiến lược mà lực lượng TNXP bám trụ trong đó có các cô gái Thái Bình.
Con đường sắt Bắc Nam vẫn chạy qua khu vực này. Nhưng tìm những nhánh rẽ vào khu vực kho tàng ẩn trong núi đá hồi lâu chả thấy? Dấu tích trận đánh năm xưa như đã thành bình địa? May mắn Thanh Hóa mặc dù chưa kịp lập bia cho các cô gái xứ Thanh hy sinh trên các cung đường trọng điểm ác liệt của các chiến trường nhưng đã lập một nhà bia khá khang trang ghi công tích của 13 liệt nữ TNXP Thái Bình.
Trên chất đá núi Nhồi vạc những dòng chữ vàng thiêng tên 13 liệt sĩ trong đó lấp lánh tên chị Chu Thị Sửu. Lại được biết thêm, 13 cô gái tiểu đội anh hùng đó khi hy sinh chôn cất ở xã Đông Văn ngay chỗ núi Nấp.
Sau này địa phương cải táng đã đưa về xã Đông Nam là xã có nghĩa trang LS khá khang trang. Một số LS đã được đưa về Thái Bình trong đó có chị Sửu nhưng dân Đông Nam, Đông Sơn vẫn tới nơi này thường xuyên hương khói.
Còn nữa