“Nếm mật nằm gai” ngay sát mục tiêu chiến lược
50 năm trôi qua, giờ đây người chiến sĩ biệt động duy nhất còn sống từng trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử ấy - Chính trị viên đội 4 Anh hùng Đặng Xuân Tẻo - vẫn nhớ như in những giờ phút vào sinh ra tử cùng đồng đội.
Nguyên Đại tá Quân đội nhân dân Đặng Xuân Tẻo (sinh năm 1943, quê huyện Củ Chi, TPHCM) cùng 10 chiến sĩ biệt động khác đã trực tiếp đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn vào đêm đầu Tết Mậu Thân 1968.
Ông Đặng Xuân Tẻo cho biết, để chuẩn bị cho trận đánh quan trọng này ông cùng đồng đội trải qua quá trình dài điều nghiên, thăm dò mục tiêu cũng như lên các kế hoạch tác chiến cụ thể.
Đầu năm 1966, ông Đặng Xuân Tẻo được cấp trên phân công làm Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đội 4 Biệt động Sài Gòn với nhiệm vụ bám trụ tại vùng ven đô thị để xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng chiến đấu trong nội thành.
Những ngày tháng hoạt động trong lòng địch, Đội 4 và bản thân ông Tẻo cùng các đồng chí chỉ huy Cụm biệt động thành gầy dựng được cơ sở bí mật tại số 5 Nguyễn Bỉnh Khiêm với hình thức bên ngoài là một tiệm may để qua mắt quân địch. Vị trí này cách Đài phát thanh Sài Gòn chỉ khoảng 100 mét. Chính cơ sở này là nơi tập trung cả đội 11 thành viên Biệt động thành xuất quân đánh chiếm mục tiêu.
Giây phút lịch sử
Sau nhiều năm tháng chuẩn bị chu đáo, đến chiều mùng 1 Tết Mậu Thân, ông Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo) cùng một nữ chiến sĩ khác đi trinh sát mục tiêu lần cuối. Đợt thăm dò cuối cùng này khiến Chính trị viên Đội 4 Anh hùng quyết định đề xuất với chỉ huy: Phải chuẩn bị bộc phá để phòng khi không giữ được mục tiêu sẽ phá hủy và chấp nhận hy sinh.
Giờ phút đã định cũng đến, hơn 12 giờ đêm mùng 2 Tết Mậu Thân, toàn đội xuất kích đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn theo hai mũi tiến công. Đội nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát nhà đài chỉ chừng 15 phút chiến đấu quyết liệt. Tuy nhiên, ngay sau đó địch tổ chức phản kích ác liệt bằng nhiều lực lượng và phương tiện, khiến Tiểu đoàn 4 Thủ Đức không vào tiếp quản mục tiêu như đã định từ trước.
Tình thế hết sức nguy cấp khi địch dồn ép cấp tập trong khi các chiến sĩ ta người hy sinh người bị thương. Gần 4 giờ sáng, Chỉ huy trưởng Năm Lộc cử Ba Tẻo và hai người khác trở về sở chỉ huy 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin chỉ thị của ông Tư Tăng - Cụm trưởng Biệt động Sài Gòn.
Ba chiến sĩ biệt động phải chia nhau tấn công mở đường máu để về căn cứ. Trong tình thế không cân sức, hai chiến sĩ đã hy sinh, riêng Ba Tẻo dũng mãnh chống trả và về được căn cứ.
Về đến cơ sở, ông Tẻo cùng với đồng chí Tư Tăng xuống hầm bí mật trú ẩn.
Đến khoảng 7 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, ông Tẻo và ông Tư Tăng khi đang trú ẩn dưới hầm nghe một tiếng nổ vang rền. Hai người hiểu rằng “Vậy là các đồng chí mình đã hy sinh”. Quả vậy, số chiến sĩ còn lại quyết định kích hoạt khối thuốc nổ để phá mục tiêu và không bị rơi vào tay giặc.
Trận chiến này phía ta đã chiếm và giữ được Đài phát thanh Sài Gòn hơn 3 giờ đồng hồ, đánh lui nhiều đợt phản kích và tiêu hao nhiều sinh lực địch. Về sau, Bộ Tư lệnh khu Sài Gòn - Gia Định và Bộ Tham mưu Miền đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.