> Xác định nhân chứng giờ phút lịch sử - Kỳ cuối
Nhìn nhận lại lịch sử
Năm 1996, một người bạn giới thiệu tôi đến gặp ĐD Việt Tùng vì “có chuyện rất đáng chú ý”. Tới nơi, tôi được ông cho xem khoảng dăm bức ảnh đen trắng phóng to, ghi lại khoảnh khắc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập và gương mặt những người lính trên chiếc xe tăng đó.
ĐD Việt Tùng nói: “Đến nay, xe tăng 843 vẫn được công nhận là xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 lịch sử. Nhưng như vậy là không ổn”.
Ông nuôi ý định làm một bộ phim về những người lính trên chiếc xe tăng 390 để trả lại sự thật cho lịch sử. “Đây là việc rất khó khăn” - ĐD Việt Tùng nói.
Ông kể, năm 1995, khi được mời vào TP Hồ Chí Minh để dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, tình cờ gặp 3 thành viên trên xe tăng 390.
Đó là các anh Vũ Đăng Toàn (trưởng xe), Nguyễn Văn Tập (lái xe), Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2), những người lúc đó chưa được nhiều người biết đến.
ĐD Việt Tùng thấy họ nói rằng xe tăng 390 là xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, việc này đã được nữ phóng viên người Pháp Francoise Demulder chụp ảnh.
Hầu như mọi người đều không để tâm, nhưng ĐD Việt Tùng thì tìm gặp ngay một cán bộ công tác tại Trung tâm Báo chí nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao - người đã sang Pháp thực tập năm 1994 và đã được xem ảnh của bà Demulder chụp cảnh quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.
Ông được biết thêm, đầu năm 1995, khi được mời sang Việt Nam, bà Demulder tìm gặp được 3 trong số 4 thành viên xe tăng 390 năm xưa. Trở lại Pháp, bà để lại những bức hình đã chụp.
ĐD Việt Tùng còn tìm gặp được pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên, thành viên cuối cùng của xe tăng 390.
Tuy nhiên, khi ông bày tỏ ý định làm phim, có nơi đã ngại vì vấn đề gai góc đặt ra trong tác phẩm. Nhưng bằng trực giác của một nhà quay phim chiến tranh và cũng có mặt tại Dinh Độc Lập sáng 1-5-1975, ĐD Việt Tùng vẫn kiên trì thuyết phục.
Cuối cùng, ba đài Truyền hình Hà Nội, Hà Tây (cũ) và Hải Hưng (những địa phương có 4 thành viên xe tăng 390 cư trú) thống nhất hợp tác làm phim.
Tôi bất ngờ được ĐD Việt Tùng gọi điện thông báo sáng hôm sau vào Đài Truyền hình Hà Tây để xem bộ phim Những người lính xe tăng 390 ngày ấy trước khi phát sóng vào buổi tối.
Phim chiếu xong, tôi thấy ĐD Việt Tùng mắt đỏ hoe, dù ông đã xem phim rất nhiều lần. Bộ phim được nhiều đài chiếu, gây chấn động dư luận. Câu chuyện về những người lính xe tăng 390 trở thành một trong 10 sự kiện báo chí của năm 1996.
Và xe tăng 390 chính thức được cấp có trách nhiệm công nhận là xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập.
Khoảnh khắc đời người
ĐD Việt Tùng từng tâm sự ông là người sợ độ cao. Vậy mà cách đây tròn 40 năm, khi đang là phóng viên Ban Vô tuyến Truyền hình (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), ông được phân công quay cảnh máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội.
Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng ông quyết định chọn Khách sạn Hoà Bình (phố Lý Thường Kiệt) làm địa bàn tác nghiệp.
Hà Nội những ngày tháng 12-1972 bị máy bay B52 oanh tạc dữ dội. Mỗi khi có tiếng còi báo động là nhà quay phim Việt Tùng lại cùng người phụ quay vác máy chạy lên tầng thượng khách sạn.
Ông tự buộc mình trên tháp nước, thấy toà nhà dưới chân mình rung bần bật, còn trên trời tiếng máy bay gầm rú, đạn lửa bắn vèo vèo.
Sau nhiều lần bất thành, đêm 27-12-1972, ông và người phụ quay đã bắt được hình ảnh quầng lửa khổng lồ ngùn ngụt cháy trên nền trời đen kịt.
Đó chính là chiếc B52 sau đó đã rơi xuống hồ thuộc làng hoa Ngọc Hà. Việt Tùng mừng rơi nước mắt. Đến giờ ông vẫn bảo đó chính là khoảnh khắc ấn tượng nhất đối với một đời hành nghề của ông.
Trước đó, rạng sáng ngày 19-12, ông được cử đi quay cảnh chiếc B52 rơi tại Phủ Lỗ. Đến nơi, máy bay vẫn còn nghi ngút khói nằm bẹp bên thửa ruộng.
Sau khi quay xong, Việt Tùng nghĩ: Đế quốc Mỹ từng rêu rao Siêu pháo đài bay B52 là bất khả xâm phạm, cũng giống như cứ điểm Điện Biên Phủ mà trước kia Thực dân Pháp cũng cho rằng là không thể công phá. Nay B52 đã bị bắn hạ, nên có thể coi đây là trận Điện Biên Phủ thứ hai.
“Tôi đem ý tưởng này trình bày với lãnh đạo, thì được nhất trí. Tuy nhiên, để cho chắc, các anh gợi ý nên xin ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi nghe ông trình bày về tứ phim của mình, Đại tướng gật đầu bảo: “Được”- ĐD Việt Tùng kể.
Sau khi cuộc oanh tạc 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội của Đế quốc Mỹ thất bại không lâu, bộ phim Hà Nội - Điện Biên Phủ của Việt Tùng bước vào giai đoạn hậu kỳ.
Năm 1974, bộ phim đã đoạt giải thưởng lớn nhất về báo chí tại Liên hoan phim tổ chức tại Tiệp Khắc (cũ) và nhiều giải thưởng khác.
Để gần đây, Hà Nội - Điện Biên Phủ lại cùng với Những người lính xe tăng 390 ngày ấy đã giúp ĐD Việt Tùng đoạt giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Ghét nhất chuyện gian dối
Để vạch trần chuyện gian dối, ĐD Việt Tùng rất máu lửa. Hôm đó, tôi vừa về đến nhà thì được ông gọi điện bảo đến ngay nhà anh Ngô Sĩ Nguyên có việc gấp. Đến nơi, tôi biết chuyện sau khi bộ phim “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” phát sóng, có người tự nhận mình mới là pháo thủ số 2 của xe tăng 390 mà không phải anh Lê Văn Phượng.
Để chứng minh, người này đưa ra một số chứng cứ, thậm chí viết riêng cho mỗi thành viên xe tăng 390 một bức thư dài, trong đó kể lại những kỷ niệm với từng người. Chuyện này khiến dư luận lại được một phen ồn ào. ĐD Việt Tùng nói: “Anh này nhận nhằng. Thực tế biên chế chính thức của xe 390 gồm 4 người là các anh Toàn, Tập, Nguyên và Đỗ Cao Trường. Tuy nhiên, khi xe 390 chiến đấu tại căn cứ Nước Trong, pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau nên anh Lê Văn Phượng được bổ sung vào vị trí này. Sau đó, khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, anh Lê Văn Phượng là một thành viên của xe”.
Để làm rõ chuyện này, mặc dù khi đó anh Nguyên chỉ nhớ mang máng quê anh Trường ở xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên), ĐD Việt Tùng vẫn cương quyết lên đường. Lúc đó trời đã tối, chúng tôi tìm anh Trường một cách mò mẫm qua trí nhớ đã có từ hơn 20 năm trước của anh Nguyên, cuối cùng cũng thành công. Ngay đêm hôm đó, anh Trường được mời về nhà anh Nguyên tại Hà Nội. Sáng hôm sau, các anh Toàn, Tập, Phượng cũng có mặt tại đây theo lời nhắn trước đó của ĐD Việt Tùng.
Hôm đó, cuộc hội ngộ “ba mặt một lời” này được Đài Truyền hình Việt Nam ghi lại và phát ngay buổi tối, làm sáng rõ câu chuyện về những người pháo thủ số 2 xe tăng 390. Và dĩ nhiên, kẻ “nhận nhằng” (xin không nêu tên) phải tự động rút lui.