Mất tích 11 năm sau khi làm việc với công an - Kỳ 3: Người điều tra vụ án nói gì?

TP - Trung tá Nguyễn Xuân Tín, người trực tiếp điều tra vụ án mất trộm 2,2 tấn sắt, khẳng định có mời ông Triển lên xã, nhưng không có phòng làm việc nên cho về. Ông Tín nói hối hận vì không lập biên bản sự việc ngay lúc đấy.
Trung tá Tín tại buổi làm việc với phóng viên Tiền Phong

Liên quan vụ mất tích bí ẩn của ông Nguyễn Văn Triển, PV Tiền Phong trao đổi với cán bộ trực tiếp điều tra vụ án - trung tá Nguyễn Xuân Tín, hiện công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang.

Xin ông cho biết có hay không việc ông cùng hai cán bộ khác của công an huyện Yên Dũng mời ông Triển lên UBND xã Tân An làm việc? Việc mời người lên làm việc mà không thông báo cho gia đình họ có đúng quy định của pháp luật không?

Hồi đấy (tức tháng 5/2005 – PV), tôi là điều tra viên, công tác tại đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (đội Hình sự), Công an huyện Yên Dũng. Nhận được phân công của lãnh đạo, tôi và 2 cán bộ khác (đồng chí Nguyễn Ngọc Toàn và Thân Văn Quân – PV) đi xác minh ban đầu tin báo về vụ mất trộm tài sản xảy ra ở công trường Nhà máy giấy Xương Giang, năm 2005. Anh em cũng xây dựng kế hoạch sơ bộ, xác định có mấy địa điểm cần xác minh ngay: Một là, gặp cán bộ đốc công ở công trường để xem tài sản mất cái gì; Hai là, xác minh những người làm việc ở công trường, biết sự việc, trong đó có ông Triển và một vài người nữa trong thôn. Chúng tôi phải xác minh gấp, ngay tức khắc. Khi đi, chúng tôi có mang theo giấy mời đối tượng.

Sáng 31/5, tôi cùng hai cán bộ là Toàn và Quân về xã Tân An để xác minh. Tôi phân công 2 đồng chí đi xuống cơ sở mời người có liên quan (tức ông Triển). Còn tôi đến ủy ban xã liên hệ với công an xã để lấy phòng làm việc. Tôi có gọi điện trao đổi với đồng chí Hứa Xuân Đĩnh (lúc đấy là Trưởng Công an xã Tân An – PV) để lấy hội trường làm việc và cho biết là hôm nay đến xác minh mấy trường hợp. Anh Đĩnh nói anh em đang đi thi Hội thi công an xã giỏi ở dưới huyện. Tôi nhờ anh Đĩnh về mở cửa cho anh em xác minh mấy trường hợp nhưng không được. Chờ đến trưa, tức khoảng 11h30 nhưng không có đồng chí công an xã nào về mở cửa nên chúng tôi nói với anh Triển: “Do không có phòng làm việc nên anh cứ về đi. Khi nào có giấy triệu tập đề nghị anh lên làm việc”. Sau đó chúng tôi lên khu vực công trường xác minh.

Tuy nhiên, ông Đĩnh cho biết có nghe điện thoại của ông nhờ cho mượn chỗ làm việc nên công an xã đã để cửa phòng, không khóa. Sau đó, đến trưa ông thông báo lại với ông Đĩnh đã làm việc xong, cho ông Triển ra về.

Tôi không nhớ lắm, có thể phòng thế nào giờ anh Đĩnh không nhớ, nhưng chính xác là không có phòng làm việc thì anh em tôi mới cho ông Triển về.

Các ông để ông Triển đi bộ về?

Lúc đấy đi thế nào do hai anh em kia, tôi không để ý. Sau đó tôi đi thẳng ra hiện trường, còn lúc mời thế nào, đi thế nào thì tôi không biết. Lúc về, tôi chỉ bảo cho ông Triển về thôi chứ về thế nào sao tôi biết được! Giờ không nhớ lắm! Nói thật là đi làm điều tra nhiều rồi, người ta (tức ông Triển - PV) trưởng thành, tâm lý bình thường thì sao phải bàn giao. Lúc lên thế nào, về thế nào tôi không biết!

Lúc các ông làm việc có ai nhìn thấy không?

Không thì mới thành chuyện chứ có thì quá là nhẹ nhàng rồi!

Trong công văn số 163/CAYD trả lời đơn thư của gia đình ông Triển có viết rõ: “Khoảng 9h ngày 31/5/2005, Nguyễn Văn Triển cùng các đồng chí công an huyện về UBND xã Tân An, nhưng vì hôm đó là ngày nghỉ cho nên UBND xã không phòng nào mở cửa, không có người trực nên không làm việc được với anh Triển. Các đồng chí công an huyện cho anh Triển về ngay buổi trưa ngày 31/5/2005. Công an huyện Yên Dũng không bắt giam, giữ Nguyễn Văn Triển bất cứ thời gian nào”. Anh thấy công văn này trả lời thuyết phục chứ?

Trong công văn có đoạn: “nhưng vì hôm đó là ngày nghỉ cho nên UBND xã không phòng nào mở cửa, không có người trực…”, người soạn công văn rất dở vì thể hiện mình (tức tổ công tác) rất thụ động. Thực ra, anh em chúng tôi chuẩn bị rất tốt chứ! Bây giờ “của đau con xót” nên đơn thư của gia đình cũng đúng, “tại sao đi làm việc mà con, chồng người ta không về?”. Chúng tôi cũng phải có ý kiến chứ. Sau sự việc này, chúng tôi phải rút kinh nghiệm từ nay về sau làm việc là phải ký biên bản, có người chứng kiến dù pháp luật không quy định. Bình thường chỉ các trường hợp khuyết tật, chưa thành niên, người cần bảo hộ... khi mời phải có gia đình. Tôi bị chậm thăng cấp bậc hàm 1 năm đấy, nhưng phải chịu, không biết vì lý do gì.

Ông có nhớ ai là người báo ông Triển có liên quan đến vụ mất trộm không?

Các anh nên liên hệ với Công an huyện để tìm lại hồ sơ.

Vụ mất trộm 2,2 tấn sắt cuối cùng các ông có điều tra ra được thủ phạm không? Ông Triển có liên quan gì không, thưa ông?

Chìm xuồng rồi còn đâu nữa. Tức là mất hết nguồn rồi. Ông tố cáo sau đấy đi làm các công trình khác, không còn liên lạc được nữa.

Kết quả điều tra đến đâu các ông có phải báo cáo cấp trên không?

Có báo cáo nhưng thực tế các vụ án mờ như thế này tỉ lệ điều tra chỉ đạt 1/10. Tôi là phụ trách trinh sát mà những ngày đấy có hôm 3 vụ mất xe, 2 vụ cắt cáp, quá nhiều!

Nhận định của ông về việc mất 2,2 tấn sắt phải có máy cẩu, ô tô, có tổ chức chứ?

Đúng rồi! Thế mình mới phải xác minh. Có mất nhưng nhiều hay ít biết thế nào được? Phải đối chiếu sổ sách xuất – nhập hàng hóa, vật liệu xây dựng nhưng chưa đối chiếu được. Công trường nó làm tương đối to, không có manh mối gì mà làm rõ vấn đề đấy cả.

Sau khi ông Triển mất tích khoảng 1 tuần, một nhân viên bảo vệ công trường đó bị đánh chết. Có phải người bảo vệ bị chết là người báo với các ông là ông Triển có liên quan không?

Mình nhớ là có vụ bảo vệ đánh nhau với dân bị chết. Vụ đấy là vụ giết người. Còn vụ ông Triển theo đơn của người trình báo. Tôi nhớ trong đơn người ta ghi ra mấy người có liên quan đấy.

Ông có báo cáo giải trình về trường hợp của ông Triển chứ?

Sau khi có đơn của gia đình thì một tuần sau chúng tôi báo cáo giải trình rất đầy đủ. Giờ không nhớ cụ thể nữa.

Ông nhận định liệu ông Triển còn sống không?

Cái này hơi khó vì năm 2005 số người có máy điện thoại rất ít. Chúng tôi đã cử người đi xác minh các nguồn tin, cử đội hình sự phối hợp với công an xã vào cuộc, vào tận miền Nam – nơi ông Triển có người thân đang sinh sống nhưng không có tung tích.

Ông thấy mình phải chịu trách nhiệm gì trong vụ này?

Nếu mổ xẻ về trách nhiệm thì có lỗi, nhưng chúng tôi đi làm có ý kiến của lãnh đạo chứ có tự ý đi đâu? Tôi bị dừng thăng quân hàm một năm rồi sau lại định dừng năm nữa nhưng tôi lên kêu các đồng chí có căn cứ gì mà dừng nên mới thôi đấy!

Cảm ơn ông.