“Có ứng viên “quá nổ” nhưng cũng có bạn lại thật thà đến mức tự hạ thấp mình trong hồ sơ gửi đến nhà tuyển dụng. Cả hai trường hợp này đều mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng và cơ hội có được một việc làm là rất thấp” - chuyên gia nhân sự Trần Hữu Đức, từng là giám đốc nhân sự của nhiều tập đoàn, cho biết.
CV được xem như giấy thông hành để ứng viên có thể bước vào vòng tiếp theo (buổi phỏng vấn) nhưng nhiều bạn rớt từ ngay vòng này.
Anh Hữu Đức cho biết nhiều bạn trẻ không tự tin khi viết CV mà nhờ người khác viết hay lên mạng tìm kiếm rồi “cắt dán” vào CV mình, chỉ thay đổi một số thông tin cơ bản. Các bản CV này thường na ná nhau, nên các hồ sơ thiếu sự khác biệt và cái tôi của mỗi người.
Thay vì đọc kỹ yêu cầu tuyển dụng, tìm hiểu rõ về công ty, công việc mà mình ứng tuyển, các ứng viên lại “rải truyền đơn” đến hàng chục công ty và chỉ dùng một mẫu CV. “Ứng viên chưa tự đặt mình vào vị trí người tuyển dụng để xem họ cần mình thể hiện gì, mà chỉ cố viết thật nhiều nhưng không có mấy thông tin giá trị cần cho công việc”, anh Đức nói.
Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Minh Tâm - giám đốc đào tạo Công ty Unity - cho biết ngày trước để viết một CV, ứng viên phải vắt óc để có thể giới thiệu mình một cách thông minh nhất trong hồ sơ, nhưng bây giờ khi Internet phát triển mạnh cũng kéo theo việc các bạn trẻ thường lên mạng sao chép hồ sơ của người khác.
Có những hồ sơ ứng viên kể dài dòng phần sở thích, thành tích đã đạt được nhưng không liên quan gì đến công việc. Chị Tâm cho biết: “Những lỗi rất cơ bản như thiếu số điện thoại, viết dài dòng, phía trên ghi gửi công ty này nhưng dưới lại thưa quý công ty kia... vẫn còn nhiều bạn mắc phải. Các lỗi này sẽ khiến nhà tuyển dụng mất cảm tình với ứng viên”.
“Hồ sơ kém đồng nghĩa với việc bạn tự tước đi tấm “giấy thông hành” của mình. Vì vậy, tạo sự khác biệt là điều cần thiết trong CV”, chị Tâm đúc kết.
Theo Phi Long
Tuổi Trẻ