Mạnh tay hơn với nạn vòi vĩnh, lót tay

TP - Cũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  yêu cầu phải tạo chuyển biến mạnh hơn trong xử lý tham nhũng tại địa phương, xử lý hiệu quả tình trạng “lót tay”, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân. 

Trao đổi với PV Tiền Phong về nội dung này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định đây là chỉ đạo rất trúng.

Ông Đặng Hùng Võ cho biết:

Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã làm được nhiều việc lớn trong phòng chống tham nhũng, đã xử lý được nhiều vụ lớn. Hàng loạt vụ án đã được đưa ra xét xử, ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị đưa ra xử lý, nhận án tù.

Tuy nhiên, hiện nay người dân còn bức xúc với những tham nhũng vừa và nhỏ, gắn với những giao dịch hằng ngày của người dân như làm sổ hộ khẩu, làm sổ đỏ… Một bộ phận người dân vẫn có ý kiến về dịch vụ công chưa được giải quyết nhanh chóng. Nhiều vụ tranh chấp đất đai tại cơ sở thường vẫn để kéo dài rất lâu. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà vẫn còn  nhiều tồn đọng. Kể cả việc xin cho con đi học trường này trường kia cũng gặp khó khăn… Như vậy nhiều quyền lợi chính đáng của người dân khác chưa được giải quyết. Đây chính là những nguy cơ, những mảnh đất màu mỡ rất dễ nảy sinh tham nhũng, sách nhiễu với người dân.

Trong việc xử lý của chính quyền địa phương còn nhiều việc khiến người dân băn khoăn. Ví dụ xử lý công trình sai phạm 8B Lê Trực bị kéo dài nhiều năm, xử lý không dứt điểm; một số trường hợp cán bộ vi phạm, biệt phủ triệu đô nhưng cũng chỉ chuyển công tác là xong…

Người dân đang đặt kỳ vọng nhiều hơn vào cuộc chống tham nhũng, sao cho không chỉ các vụ án lớn mà những quyền lợi chính đáng của người dân hằng ngày cũng được quan tâm xử lý. Các cơ quan phòng chống tham nhũng cần quan tâm hơn đến vấn đề này vì nhiều tham nhũng nhỏ sẽ tạo thành những tham nhũng lớn và làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Rõ ràng cần phải mạnh tay hơn nữa với nạn vòi vĩnh, lót tay… hiện nay.

Theo ông, vì sao lại có tình trạng tham nhũng vặt lộng hành kéo dài như vậy?

Có tình trạng đó là vì chúng ta chưa có cơ chế hiệu quả để xử lý các tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt. Chúng ta có thể ban hành  pháp luật về dịch vụ công, hành chính công nhưng thực hiện của các cấp địa phương còn nhiều hạn chế và không ít nơi vẫn còn gây khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp để phải bôi trơn thì mới làm. Đây cũng là một biểu hiện “nóng trên lạnh dưới”, thậm chí “trên bảo dưới không nghe”. Lẽ ra Trung ương làm mạnh thì các tỉnh thành, quận huyện, xã phường cũng phải làm mạnh chứ? Rõ ràng là người dân vẫn thấy tham nhũng nhởn nhơ trong cuộc sống và đang “bắt nạt” người dân. Chúng ta đang tập trung nhiều vào các vụ lớn mà chưa thực sự quan tâm xử lý tham nhũng vặt.

Pháp luật đã có quy định về vai trò của người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thực tế hiệu quả của các quy định này đến đâu theo đánh giá của ông?

Trong chống tham nhũng tại nhiều quốc gia, vai trò của người dân rất quan trọng. Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện còn thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Pháp luật đã có quy định nhưng ít đi vào cuộc sống. Tôi ví dụ như khi người dân phản ánh ý kiến đến cơ quan chức năng thì việc thụ lý, giải quyết, trả lời ra sao còn rất mù mờ, thậm chí nhiều kiến nghị của người dân không được trả lời, bị lờ đi.

Chúng ta thấy hiện nay, số vụ tham nhũng do báo chí phát hiện nhiều, sự phát hiện của chính các cơ quan có trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng còn ít, vì vậy còn không ít lĩnh vực, tham nhũng vẫn còn chưa được xử lý.

Cám ơn ông!