Theo khảo sát của PV Tiền Phong, hiện tại, tại Hà Nội, rất nhiều cửa hàng cầm đồ trên đường Láng, Đê La Thành, Trương Định, Thái Hà, Kim Mã v.v…đang nhộn nhịp thanh lý rất nhiều các món đồ được “cắm”. Trong đó chủ yếu là xe máy, smartphone cao cấp, trung cấp, laptop.
Trao đổi với Tiền Phong, anh Nguyễn Văn Long, chủ một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng cho biết, hiện tại cửa hàng của anh đang “ôm” 60 chiếc xe tay ga cầm đồ trong mùa World Cup vừa qua.
Các loại xe hiện có đủ loại thương hiệu khác nhau nhưng chủ yếu là xe tay ga như Honda Air Blade, Vespa, Liberty, Yamaha Exciter, cá biệt còn có cả xe điện... Đặc biệt, xe Honda SH nhập có số lượng áp đảo hơn cả với 20 chiếc. Anh Long cho biết, sở dĩ xe SH được “cắm” nhiều vì có giá cầm cố được giá hơn nhiều loại xe khác.
Anh Long cũng thừa nhận, số lượng khách hàng đến với cửa hàng của anh tăng nhiều vào dịp cuối mùa World Cup 2018 vừa qua. Bình thường, cửa hàng của anh không đến mức “ế” nhưng dịp World Cup lần này tăng nhiều hơn mong đợi. Hiện tại, cửa hàng anh Long đang bắt đầu thanh lý số lượng xe máy khách không đến chuộc lại đúng kỳ hạn.
Trong khi đó, chị Ngô Thị Hằng, chủ một cửa hàng cầm đồ khác trên đường Đê La Thành cho biết, các dòng xe tay ga tại cửa hàng của chị vừa qua cầm gần trăm chiếc đang được thanh lý với giá được cho là rẻ hơn rất nhiều so với trước mùa bóng đá.
Với dòng xe Honda SH được ưa chuộng hơn cả, có giá thanh lý dao động từ 60 - 90 triệu đồng, tùy từng đời xe. Đa phần các loại xe SH được dân chơi cắm ban đầu đều được định giá chỉ còn 1/2 so với giá trị ban đầu. Tuy nhiên, khi bán ra thì giá được đẩy lên nhiều tuỳ theo khách mua.
Chị Hằng cũng cho biết, cửa hàng của chị những ngày sau World Cup 2018 khá “đắt hàng” với loại xe tay ga Honda SH 150i hàng lướt. Khách hàng có thể là dân buôn hoặc người tiêu dùng đi săn xe giá rẻ mặc dù giá bán xe cũ cũng không hề rẻ từ 100 - 120 triệu đồng.
Trong khi đó, các dòng xe Vespa bán ra có tỉ lệ kém hơn. Giá thanh lý các loại xe dòng này chỉ vào khoảng 40 - 60 triệu đồng. Hay như xe Honda Air Blade, PCX cũng có giá chỉ từ 20 – 40 triệu đồng.
Chị Hằng tiết lộ, với mức giá bán thanh lý được nhiều người trong giới đánh giá là không quá cao nhưng các chủ cửa hàng cầm đồ đã lãi khá nhiều nếu bán thẳng chưa “xì tút”. Với những xe đã qua “xì tút” lại đẹp hơn một chút thì còn được giá hơn nhiều.
Bên cạnh xe máy, thị trường điện thoại smartphone cao cấp hay laptop năm nay lại được giới kinh doanh cầm đồ không mấy mặn mà vì thực chất cầm đồ đầu vào không được bao nhiêu mà đa phần dân chơi lại chỉ chơi theo trận lẻ nên lại nhanh chút “rút” về. Chưa kể những năm gần đây, tâm lý người mua hàng sợ bị thay đồ nên cũng ngại ngần hơn với các loại hàng này. Chính vì vậy, dù không từ chối khách nhưng tâm lý chung đều không mấy hứng thú với mặt hàng điện thoại.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thực tế, bên cạnh việc ăn chênh lệch đối với khách cầm đồ và bán thanh lý ra lãi gấp nhiều lần, giới kinh doanh cầm đồ còn có “mánh” khác để đẩy giá các món đồ thanh lý gắn mác World Cup lên và đây mới chính là nguồn thu lợi rất lớn cho các chủ cửa hàng cầm đồ.
Tiết lộ với Tiền Phong, chủ một cửa hàng cầm đồ cho biết, mánh đơn giản nhất đó là chiêu gắn mác “bán rẻ”, “bán lỗ” hay “thanh lý gấp vì thua độ World Cup”… Với những dòng chữ này, mặc nhiên khi khách muốn mua đồ thanh lý sẽ bị rơi vào bẫy mua hàng giá rẻ, bán tống bán tháo. Tuy nhiên, thực tế thì các cửa hàng cầm đồ đang đẩy giá và cố gắng "ép" giá bán lại với giá cao hơn cho người mua để ăn chênh lệch. Tuy là nói thanh lý “giá rẻ” song giá bán của chúng vẫn cao hơn nhiều so với giá nhập vào.
Chưa kể tới việc rất nhiều cửa hàng tranh thủ mùa bóng đá để thanh lý, tuồn ra thị trường những mẫu xe kém chất lượng, đã qua sửa chữa. Ngoài ra, nhiều chủ cửa hàng cầm đồ còn kì công đi “xì tút” lại cẩn thận các loại xe tay ga hoặc cá biệt hơn là ô tô cũ để có thể đẩy giá lên cao ngất ngưởng.
Thậm chí, rất nhiều khách hàng khi mua xe máy thanh lý đã qua sử dụng thường dẫn theo thợ riêng để kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn bị dính bẫy vì những chiêu trò của giới cầm đồ bán hàng thanh lý.