Mang máy quay vào thi: ‘Tôi sợ mất nhiều hơn được’
> Bộ trưởng GD&ĐT: 'Đưa tin tiêu cực khiến thí sinh sốc...'
Ông Thi cho rằng, Báo chí hoạt động theo quy định của Luật Báo chí nên không thể dùng công văn hay cách khác để “bắt” hay quy định báo chí đưa tin phải theo cách này, cách khác được.
Còn nếu các cơ quan hữu quan như Bộ Giáo dục muốn hợp tác với báo chí để đưa các thông tin chính xác thì không thể gọi là quy định đưa tin mà phải là sự hợp tác tự nguyện, đôi bên cùng có lợi, cùng hướng tới chất lượng công việc được tốt hơn.
Thưa ông, vai trò của báo chí trong phát hiện các vụ tiêu cực đối với ngành giáo dục thời gian qua như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, việc Bộ Giáo dục Đào tạo gửi công văn cho các tỉnh đề nghị “chỉ đạo” đưa tin của báo chí trong các kỳ thi là không đúng theo quy định của pháp luật.
Không riêng gì giáo dục, trong tất cả các lĩnh vực, báo chí có vai trò quan trọng trong phát hiện tiêu cực và đưa tiêu cực ra ánh sáng, ra dư luận có áp lực cho các cơ quan có trách nhiệm phải xử lý tiêu cực một cách nghiêm túc đó là vai trò của báo chí và sự đóng góp của báo chí đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, đôi khi báo chí đưa thông tin không chính xác sẽ tạo ra sự hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Theo tôi vai trò phát hiện tiêu cực và yếu tố tích cực của báo chí trong phát hiện tiêu cực trong ngành giáo dục là rất tốt, đáng khích lệ.
Thực ra khi phân tích đến cùng, tiêu cực ở lĩnh vực nào cũng đều được phát hiện ra từ hai nguồn, đó là từ báo chí và nội bộ người tham gia tiêu cực tố cáo lẫn nhau.
Nếu họ giữ được sự nhất trí trong nội bộ thì sẽ không lộ được thông tin và báo chí rất khó khai thác. Báo chí là một kênh giúp cho những thông tin ban đầu hoặc là thông tin cục bộ dư luận rất nhỏ, tạo ra dư luận rộng rãi trong xã hội, khi đó tạo ra sức ép xã hội buộc những người có trách nhiệm, buộc những người liên quan công khai xử lý vi phạm. Chính tính chất đặc thù ấy của báo chí mới tạo ra được một sức mạnh của báo chí, tạo ra chức năng của báo chí góp phần tạo cho cuộc sống minh bạch, đóng góp tích cực vào việc chống tiêu cực.
Kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục đồng ý cho học sinh mang theo những vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử vào phòng thi để “giám sát” cả giám thị, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ nếu trong việc tổ chức của mình đảm bảo yếu tố minh bạch, thì việc tiêu cực càng bị khống chế, như vậy báo chí có vai trò, người dân cũng có vai trò, tất cả những người tham gia vào sự việc cũng có vai trò, trong đó có cả học sinh, thầy cô giáo, có cả những nhà tổ chức...
Tất cả thành phần tham gia để tạo ra sự minh bạch, tạo ra môi trường tốt cho việc chống tiêu cực, thế nhưng các giải pháp đồng thời đưa ra phải có sự hợp lý. Tôi không tán thành với việc khuyến khích học sinh đi thi cứ nhăm nhăm tìm yếu tố tiêu cực.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn sửa quy chế cho học sinh mang máy móc thiết bị nghe nhìn vào phòng thi, vì nói cho cùng các em đi thi phải tập trung làm bài cho tốt, bố mẹ, người thân, thầy cô và chính các em cũng mong chờ điều đó. Chứ không ai bắt các em phải đặt nhiệm vụ chống tiêu cực lên hàng đầu như vậy, học sinh đi thì nhưng không thi mà lại chống tiêu cực, là không đúng với nhiệm vụ của các em trong kỳ thi.
Trước đây, chúng ta đã cấm các em không được mang máy vào phòng thi, bây giờ thi lại bảo để “giám sát”, rồi minh bạch để cho phép các em, tôi sợ rằng cái mất sẽ nhiều hơn cái được.
Thưa ông có ý kiến như thế nào về sự minh bạch thông tin trong các kỳ thi của chúng ta?
Có thể nói minh bạch ở đây là minh bạch theo đúng quy trình, quy định, không phải minh bạch thì cũng có nghĩa là mình phải đưa ra cho tất cả mọi người biết. Thông tin có thể công khai ở mức độ này hay ở mức độ khác.
Phải nói thật, hiện nay tính minh bạch trong thông tin còn nhiều hạn chế trong các hoạt động của chúng ta, có những cái không phải bí mật, không đáng phải giữ thế mà chúng ta vẫn làm điều đó.
Hiện nay, vẫn còn hiện tượng nhiều cơ quan vẫn còn lạm dụng cái gì cũng đóng dấu mật vào đấy, không nhất thiết phải như thế. Tức là những hiện tượng ấy là khá phổ biến và nhà nước cũng đã có chủ trương hạn chế tối đa những thông tin đóng dấu mật.
Nhưng việc xác minh thông tin nào phải bảo mật là do những con người cụ thể và những con người cụ thể ấy chưa vượt qua được những thói quen hoặc là họ lạm dụng vì một mục đích nào khác. Nếu chúng ta làm được tốt vẫn đề này, hạn chế những thông tin cần phải bảo mật, chỉ bảo mật những thông tin cần thiết thì khi đó tình minh bạch sẽ cao hơn. Nếu chúng ta làm tốt được điều ấy thì tính minh bạch càng cao, hiệu quả công việc càng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Xuân Hải
Infonet