Malaysia 'mắc nghẹn' với dự án vốn Trung Quốc

TP - Thủ tướng Malaysia hôm qua nói ông sẽ tìm cách hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng có vốn viện trợ Trung Quốc do người tiền nhiệm và chính phủ của ông ta ký kết nhằm đưa đất nước thoát khỏi gánh nặng nợ nần.
Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: AP.

Ông Mahathir Mohamad đưa ra bình luận trên trong một cuộc phỏng vấn với hãng AP, chỉ vài ngày trước khi vị thủ tướng 93 tuổi này có chuyến công du tới Trung Quốc.

Thủ tướng Mahathir nói ông  muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và chào đón nguồn vốn đầu tư từ nước này bởi chúng làm lợi cho Malaysia.

Nhưng ông rất phản đối các dự án đường ống dẫn nhiên liệu và đường sắt dọc bờ biển phía đông của bán đảo Mã Lai do người tiền nhiệm Najib Razak phê duyệt. Ông Najib hiện đang bị buộc tội tham nhũng nhiều triệu USD liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. Ông này phủ nhận, cho rằng mình không làm gì sai.

“Chúng tôi không nghĩ chúng tôi cần hai dự án đó. Vì thế chúng tôi muốn hủy bỏ dự án”, ông Mahathir nói với phóng viên.

Hồi còn nắm quyền, ông Najib tỏ rõ sự thân thiết với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc coi Malaysia là một điểm quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”, đầu tư hạ tầng để kết nối thương mại từ Trung Quốc tới châu Âu và châu Phi. Năm 2016, vị thủ tướng tiền nhiệm Malaysia đã ký thỏa thuận đối với dự án đường sắt dài 688km và 2 đường ống dẫn khí đốt.

Chính phủ mới của Malaysia đã cho dừng mọi hoạt động liên quan đến các dự án, do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện,  yêu cầu giảm mạnh chi phí đang đội lên rất cao từ phía các nhà thầu, ước tính ở mức hơn 22 tỷ USD. Một phần trong số tiền này đã được thanh toán và rất khó để thu hồi.

Nếu không hủy bỏ được các dự án, Malaysia ít nhất cũng đình hoãn đến “khi nào có thể thực hiện tiếp trong tương lai”, ông Mahathir nói.

Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng thúc giục Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải trên biển Đông. “Chúng tôi ủng hộ việc đi lại của tàu thuyền, kể cả tàu chiến, nhưng không đồn trú ở đó (biển Đông)”, ông Mahathir nói. “Đó là lời cảnh báo tới tất cả mọi người. Đừng gây căng thẳng không cần thiết”.

Thủ tướng Mahathir từ lâu đã tỏ ra không ưa thích phương Tây. Ông thường xuyên chỉ trích Mỹ và các đồng minh thân cận bằng những lời lẽ bóng bẩy và đôi khi khiêu khích, trong khi ủng hộ và thúc đẩy cái ông gọi là các giá trị và lợi ích của châu Á.

Xem xét lại các dự án có vốn Trung Quốc

Trước khi tái cử thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua, ông Mahathir đã tuyên bố sẽ xem xét lại một loạt dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc nếu trúng cử, theo Bloomberg. Khi đó, người từng giữ ghế thủ tướng Malaysia từ 1981 - 2003 đã nói ông chào đón đầu tư từ Trung Quốc nếu các công ty của nước này thiết lập hoạt động ở Malaysia, thuê mướn nhân công địa phương, mang đến vốn và công nghệ. Tuy nhiên, thực tế theo ông không phải như vậy. “Ở đây chúng tôi chẳng được gì từ dòng đầu tư đó”, ông Mahathir, 92 tuổi, nói. “Chúng tôi không chào đón điều đó”.

Tại Malaysia, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã gây ra lo ngại về chủ quyền lãnh thổ và bất bình đẳng kinh tế.  Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Mahathir nói tới một dự án trị giá 100 tỷ USD xây dựng các căn hộ có giá  lên đến 1 triệu ringgit (258.000 USD) trong khi thu nhập trung bình của người dân Malaysia trong năm 2016 mới đạt 62.736 ringgit (khoảng 15.300 USD).

“Chúng tôi không có đủ người giàu để mua tất cả những căn hộ đắt tiền như thế, và rồi người nước ngoài sẽ tới lấp đầy các căn hộ đó”, ông Mahathir nói. “Không nước nào muốn ngập tràn người nước ngoài trong đất nước họ cả”.

Thủ tướng Malaysia lúc đó là ông Najib Razak đã bác bỏ những lo ngại của phe đối lập, cho rằng  đó là những lời nói của “một số chính trị gia cố tình làm trầm trọng vấn đề”.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu ở Malaysia. Trong năm 2017,  vốn đầu tư Trung Quốc chiếm 7% trong tổng số 54,7 tỷ ringgit FDI. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Mahathir đã nêu ví dụ về Sri Lanka, cho rằng nước này “mất rất nhiều đất” bởi vì không trả được nợ cho Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Sri Lanka đã phải cho một liên doanh có công ty nhà nước Trung Quốc tham gia thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm để trả nợ.