Mạc Can trở lại

TP - Sau một thời gian “mai danh ẩn tích” chữa bệnh, mới đây nhiều người vui mừng nhìn thấy ảo thuật gia kiêm nhà văn Mạc Can có mặt tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ (quận 8, TPHCM) để nhận quà Tết của các nhà hảo tâm.
Nhà văn Mạc Can và các bạn văn nghệ tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Tôi còn nhớ, lần gần đây nhất gặp nhà văn Mạc Can là tại nhà em gái của nhà văn ở Hóc Môn (TPHCM). Nhà văn gặp bạo bệnh, phải ngồi xe lăn. Nhiều nhà văn và bạn bè tới thăm, tặng quà cho ông và người từ các tờ báo cũng tới tiếp tục… đặt bài! Sau đó, em gái nhà văn cho biết: “Anh tôi đã chuyển sang chỗ ở mới, có người thân khác chăm sóc. Anh tôi khá ổn”.

Nhà văn Mạc Can dường như đã chấp nhận cuộc sống gắn bó với xe lăn bằng việc sử dụng nhiều hơn mạng xã hội. Ông gửi lời kết bạn Facebook cho tôi với lời hỏi thăm. Ông nói: “Hiện tại vẫn như mọi khi, vẫn ổn và vẫn khó khăn”.

Rất nhiều nghệ sĩ tại các tỉnh phía Nam, trong đó có Mạc Can, thường làm việc không theo biên chế, hợp đồng dài hạn. Lúc tuổi già, họ không có lương hưu và không còn nguồn thu nhập gì đáng kể. Trước lúc ngã bệnh, ở tuổi “cổ lai hy”, Mạc Can vẫn đi đóng phim và viết báo.

Chị Yến, em gái nhà văn, bảo tôi: “Anh tôi vẫn thế thôi, vẫn thức khuya, nghĩ ngợi một mình, cố gắng viết cái gì đó, dù giờ đã ngồi trên xe lăn. Tôi giục anh ngủ đi, giữ gìn sức khỏe, nhưng anh ấy chẳng bao giờ chịu ngủ sớm”.

Gặp ông tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, trên chiếc xe lăn nay đã thành quen, ông bảo tôi: “Mọi thứ vẫn ổn nhé! Trừ cái tai. Giờ phải nói thật to thì Mạc Can mới nghe được”. Nhiều nhà báo tới chụp ảnh. Song ông không quên nói với tôi: “Tôi vẫn muốn viết, muốn hoàn thiện cái kịch bản kia đấy”. Tôi hỏi: “Anh viết sắp xong chưa?”. Ông vẫn giữ câu trả lời cũ: “Sắp xong rồi”.

Một nghệ sĩ kỳ cựu cùng tới chia sẻ cảnh già, cùng ngồi trên xe lăn như Mạc Can. Nhà văn quay sang, nhún vai: “Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng đều tìm ra người cùng cảnh ngộ. Cuộc sống chúng ta không quá cô đơn đâu”.

Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: “Thông lệ hàng năm, Hội Sân khấu TPHCM, Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM cùng các nhà hảo tâm đều tổ chức lễ trao quà Tết cho các nghệ sĩ lão thành và các công nhân hậu đài. Riêng năm nay, ngoài 180 phần quà, còn nhiều phần quà giá trị do anh chị em nghệ sĩ, nhà hảo tâm trao tặng”.

Nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can được mời lên nhận quà Tết đầu tiên. Các nghệ sĩ trẻ bảo ông: “Chúng con tặng quà thì ông phải tặng chúng con cái gì chứ?”. Thế là Mạc Can bèn tặng một nụ hôn vào má.

Cuộc gặp gỡ cuối năm tại Viện dưỡng lão Nghệ sĩ nhiều cảm xúc. Nhà văn Mạc Can gặp lại một người nấu ăn cho đoàn kịch từ những năm 1980. Cô đã tóc bạc da mồi và lưu lạc nhiều năm, nay có dịp được con đưa về thăm các nghệ sĩ.

Chị Hoa Lan cũng từng nhiều năm đứng trên sân khấu. Chị là con gái của nghệ sĩ Nguyễn Huỳnh, tác giả vở kịch nổi tiếng “Bạch Hải Đường”. Chị Hoa Lan nói: “Bố tôi mất đã lâu, sau đó mẹ tôi vào Viện dưỡng lão Nghệ sĩ này và cũng đã qua đời tại đây. Lớp các nghệ sĩ tiền bối, thế hệ bố mẹ tôi, còn lại đến ngày nay như chú Mạc Can chỉ còn đếm đầu ngón tay thôi”.

Chị Hoa Lan tới chúc sức khỏe nhà văn Mạc Can: “Chúc chú trường thọ và viết nhiều tác phẩm hay nữa”. Nhà văn Mạc Cân gật đầu, khẳng định: “Vẫn viết, vẫn còn viết!”.