M1A2 Mỹ đọ sức cùng tăng chiến đấu chủ lực Nga, Trung

Tăng M1A2 của Mỹ được cho là có hỏa lực mạnh hơn nhưng hệ thống phòng thủ và khả năng cơ động lại thua kém tăng Type 99 của Trung Quốc và T-90 của Nga.
Tăng M1A2 Abrams của quân đội Mỹ khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: DOD.

Tăng M1A2 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ, từng đè bẹp lực lượng thiết giáp Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 mà không bị thiệt hại chiếc nào, liên tục được quân đội Mỹ nâng cấp hỏa lực, lớp giáp và thiết bị cảm biến.

Trong một bài viết mới đây trên National Interest, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin có bài so sánh uy lực của M1A2 với hai cỗ xe tăng cùng đẳng cấp là T-90 của Nga và Type 99 của Trung Quốc trên ba phương diện là hỏa lực, hệ thống phòng thủ và khả năng cơ động.

Hỏa lực

Tăng M1A2 trang bị pháo 120 mm Rheinmetal, bắn đạn uranium nghèo M829, loại đạn xuyên giáp tốt nhất hiện nay của quân đội Mỹ. Phiên bản đạn M829A3 có khả năng xuyên tấm thép cán có độ dày 700-800 mm, và quân đội Mỹ đang được trang bị rộng rãi đạn M829A4 cải tiến, đủ sức xuyên thủng hệ thống giáp phòng thủ chủ động Kontakt và Relikt của xe tăng Nga.

Tăng Type 99 và T-90 đều có pháo 125 mm nạp đạn băng chuyền tự động theo thiết kế từ thời Liên Xô. Khi sử dụng đạn vonfram cải tiến, loại pháo này đủ khả năng xuyên thủng lớp giáp trước của tăng Abrams nếu bắn ở tầm gần.

Nòng pháo chính dài hơn của biến thể tăng Type 99A2 Trung Quốc trên lý thuyết có thể tăng sơ tốc đầu đạn và cải thiện khả năng xuyên giáp và độ chính xác. Trung Quốc cũng tuyên bố phát triển đạn uranium nghèo cho pháo 125 mm mà theo họ có thể xuyên thủng giáp tăng M1A2 ở khoảng cách tới 1,4 km.

Trung Quốc từng trang bị pháo 140 mm cho tăng Type 99 nhưng đều bị vỡ nòng trong các lần bắn thử nghiệm, tương tự những gì đã xảy ra với kế hoạch nâng cấp pháo 140 mm cho siêu tăng T-14 Armata của Nga.

Pháo của tăng Type 99 và T-90 đều có thể bắn các tên lửa chống tăng, tính năng mà tăng Abrams không có. Trên lý thuyết, điều này có thể hữu ích trong tác chiến ở tầm rất xa hoặc đối phó các trực thăng tầm thấp. Tuy nhiên, các tên lửa dùng cho xe tăng không được sử dụng nhiều trong 40 năm qua.

Hệ thống phòng thủ

Tăng M1 Abrams Mỹ được trang bị lớp giáp tổng hợp Chobham có sức chống chịu đạn xuyên lớp giáp đặc dày 800 mm hoặc 1300 mm với các đầu đạn rocket và tên lửa. Tuy nhiên, phiên bản chưa nâng cấp của loại tăng này không có thiết bị cảnh báo laser và hệ thống phòng thủ chủ động hay giáp phản ứng nổ (ERA).

Tăng Abrams có buồng chứa đạn tách biệt, giúp nó không bị phát nổ khi bị hỏa lực địch bắn trúng.

Tăng chiến đấu chủ lực Type 99 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Tăng Type 99 Trung Quốc được trang bị giáp phản ứng nổ và lớp giáp tổng hợp được cho là có khả năng bảo vệ tương đương lớp giáp đặc 1100 mm. Biến thể Type 99A2 sử dụng hệ thống bảo vệ đa tầng tương tự giáp ERA Rlikt của Nga, sử dụng radar để kích nổ giáp ERA trước khi xe tăng bị đầu đạn đối phương bắn trúng.

Type 99 cũng được trang bị một thiết bị cảnh báo laser giúp chỉ huy biết xe đang bị hệ thống khóa mục tiêu laser đối phương ngắm, kịp thời đưa xe tăng ra khỏi vùng nguy hiểm. Xe tăng này còn được cho là trang bị hệ thống gây nhiễu công suất lớn có thể đánh lừa tín hiệu dẫn đường bằng laser và hồng ngoại của đối phương, vô hiệu hóa thiết bị quan sát và làm lóa mắt xạ thủ điều khiển hỏa lực địch trong thời gian dài.

Biến thể tăng Type 99A2 mới được trang bị hệ thống liên lạc bằng laser dùng để nhận dạng xe tăng quân mình và truyền dữ liệu mã hóa.

Ngoài lớp giáp có sức chống chịu tương đương giáp đặc dày 650 mm, tăng T-90A Nga còn sử dụng giáp phản ứng nổ Kontakt-5, hoặc hệ thống Relikt trên biến thể tăng T-90MS mới hơn. Các hệ thống này đối phó hiệu quả hơn với tên lửa chống tăng, nhưng cũng có thể triệt tiêu sức xuyên phá của các loại đạn pháo.

T-90 trang bị hệ thống phòng thủ chủ động "mềm" Shtora, vừa gây nhiễu laser vừa sử dụng lựu đạn tạo màn khói bao phủ, giúp xe thoát khỏi các thiết bị dẫn đường quang học của tên lửa đối phương.

Tăng T-90A của Nga. Ảnh: Sputnik.

Khả năng cơ động

Tăng Type 99 có vận tốc tối đa 80 km/h so với vận tốc 67 km/h của tăng M1 Abrams và 72 km/h của tăng T-90MS, còn tăng T-90A chỉ có vận tốc tối đa 56 km/h.

Tuy nhiên, tăng M1A2 trang bị động cơ tuốc bin chạy xăng chỉ có thể chạy xa 386 km trong một lần nạp nhiên liệu, so với quãng đường trên 480 km của tăng Type 99 và T-90. Ngoài ra, với trọng lượng hơn 70 tấn, tăng M1 là một trong những loại khí tài khó vận chuyển và triển khai nhất.

Tóm lại, dù Abrams được cho là có hỏa lực mạnh nhất trong ba cỗ xe tăng này, tăng Type 99 Trung Quốc lại có cơ chế phòng thủ tốt hơn nhờ các hệ thống phòng thủ đa tầng. Đây cũng là loại xe chạy nhanh hơn và tầm hoạt động xa hơn.

Tăng T-90A nhìn chung yếu thế so với hai xe còn lại, nhưng biến thể T-90MS trang bị giáp Relikt, hệ thống quan sát cải tiến và động cơ uy lực hơn có thể sánh ngang về sức mạnh với Abrams và Type 99.

Tuy nhiên, trong khi M1A2 Abrams và T-90 đều đã trải qua nhiều trận thực chiến trên chiến trường và chứng tỏ sức mạnh của mình, các thông số của Type 99 Trung Quốc vẫn chỉ mang tính lý thuyết và chưa được kiểm chứng trên thực tế, Roblin nhận định.

Theo Theo VnExpress