Lý Liên Kiệt ngoan hiền, Chân Tử Đan ngỗ ngược qua lời kể sư phụ

Võ sư Ngô Bân – sư phụ của Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan kể rằng hai cậu học trò cưng có tính cách hoàn toàn khác nhau, người này ngoan hiền bao nhiêu thì kẻ kia lại ngỗ ngược bấy nhiêu.

Võ sư Ngô Bân sinh năm 1937, là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp cho lĩnh vực võ thuật của Trung Quốc. Không chỉ là một huấn luyện viên, là một người am hiểu võ thuật, võ sư Ngô Bân còn có công dạy dỗ và phát hiện nên những ngôi sao võ thuật tài năng cho nền điện ảnh nước nhà và toàn thế giới, trong đó đáng chú ý là Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan.

Lý Liên Kiệt từng bị mẹ bắt nghỉ học võ.

Lý Liên Kiệt trở thành đệ tử của Ngô Bân từ năm 8 tuổi, năm 1971, anh đã trở thành học viên của trường đào tạo võ thuật Thập Sát Hải do Ngô Bân sáng lập. Võ sư 89 tuổi kể lại, một lần lên lớp, Ngô Bân phát hiện võ sinh vừa nhập môn Lý Liên Kiệt vắng mặt, không biết bị đau ốm hay vì lý do gì, ông phải tranh thủ thời gian nghỉ để tới nhà tìm hiểu nguyên do. 

Tới đó mới biết, mẹ của Lý Liên Kiệt sợ con trai mải mê với võ thuật mà quên việc học văn hoá, bà muốn cho con ra khỏi trường võ thuật. Cha của Lý Liên Kiệt mất từ năm anh lên 2 tuổi, một mình mẹ Lý Liên Kiệt phải lo kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình có cha mẹ già và 5 đứa con thơ. Bà muốn đứa con trai út học hành đàng hoàng để sau này tìm được một công việc ổn định và kiếm tiền nuôi gia đình. 

Võ sư Ngô Bân phải nhiều lần tới nhà để thuyết phục, bà Lý mới đồng ý để con trai tiếp tục theo ông học võ, Ngô Bân nói với bà Lý rằng con trai bà là ‘hạt giống tốt nhất định không thể bỏ phí’. 

Trở về từ Mỹ, Chân Tử Đan tỏ ra rất ngông nghênh.

Còn về phần Chân Tử Đan, võ sư Ngô Bân miêu tả, đó là môn sinh có tính cách hoàn toàn trái ngược. Chân Tử Đan bái sư vào năm 1978, khi vừa trở về từ Mỹ. ‘Năm đó, lần đầu tiên nhìn thấy Chân Tử Đan, tôi nghĩ rằng thể chất của cậu ấy khá tốt, thích hợp với việc học võ. 

Tuy nhiên, Tử Đan lại có nền tảng võ thuật tương đối kém, bởi lúc đó cậu ta mới bắt đầu tiếp xúc với võ thuật, cơ thể không linh hoạt. Chính vì vậy, ban đầu tôi sắp xếp để Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ, tránh để cậu ta giảm ý chí, chúng tôi phải nói lừa rằng xếp cậu ta vào nhóm đó là để học luyện chân. Tử Đan là một người chăm chỉ, chịu khó học hỏi sư phụ và các huynh đệ. Thông thường, khi mọi người đã rời lớp luyện võ, một mình Chân Tử Đan vẫn ở lại kiên trì luyện tập’.

Trái với một Lý Liên Kiệt hiền lành, Chân Tử Đan có phần ngang ngạnh hơn, nhiều lần đấu khẩu, cãi ngang sư phụ, có lần, Ngô Bân không thể nhịn được nữa và đuổi Tử Đan ra khỏi lớp. Thời điểm đó, Chân Tử Đan là võ sinh ngoại quốc duy nhất, tự nhận mình là người Mỹ và cao hơn người khác một bậc, ngông nghênh và không coi ai ra gì, thậm chí còn có ý coi thường Ngô Bân. 

Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan có tính cách hoàn toàn ngược nhau.

Tính Chân Tử Đan lại nóng nảy, suy nghĩ lại giản đơn, anh cho rằng mục đích duy nhất của việc học võ là để thi đấu phân định thắng thua, anh rất thích thú với việc thách đấu các bạn đồng môn.

Ngày đó, rất nhiều võ sinh bực tức trước thái độ ngông nghênh, kiêu ngạo của Chân Tử Đan, nhưng quy định của lò võ rất nghiêm ngặt, nghiêm cấm học viên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau vì bất cứ lý do gì, nên tất cả đều phải nhẫn nhịn. Tuy nhiên, trong số đó, có một võ sinh không chịu đựng nổi và cho rằng phải ‘xử lý’ tên hống hách này, đó chính là Lý Liên Kiệt.

(Còn tiếp)

Theo Theo VTC News