Đối với tôi ở tuổi này lập gia đình đã là muộn nhưng tôi vẫn bình thản tận hưởng cuộc sống độc thân. Tôi tin vào chữ duyên. Gia đình cũng giục nhưng công việc tôi bận bịu quá nên chưa thu xếp được. Trong gia đình, ba tôi và mẹ sống hạnh phúc, anh em trong gia ðình cũng một vợ một chồng nên tôi không muốn lâm vào cảnh thay vợ như thay áo.
Trong gần 10 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, anh đã làm gì, ở đâu?
Tôi nghỉ 8 năm trời không đóng phim mà đi hát tại khắp các sân khấu ca nhạc. Cũng lúc nhớ nghề lắm khi có những bà con thắc mắc, sao lâu không thấy Lý Hùng đóng phim để coi. Đó chính là động lực để tôi quay lại với phim ảnh. Có những bác ở miền Tây nói sao Phạm Công lâu không đóng phim, ra miền Bắc khán giả gọi bằng tên Trương Sỏi trong phim Người không mang họ. Điều đó làm tôi cảm thấy day dứt.
Anh tìm được niềm vui gì khi đi hát?
Hát và làm diễn viên khác nhau nhiều lắm. Khi tôi đóng phim, phải chờ có khi tới nửa năm phim mới phát sóng. Lúc đó vai diễn mới đến được với khán giả, họ xem xong họ mới cảm nhận dược diễn viên hay hay dở. Nhưng đi hát là tôi được giao lưu trực tiếp với khán giả. Nên tôi rất vui và tự tin. Một đêm tôi có thể hát được tới 4 đến 5 bài. Tôi có thể mời những đứa trẻ lên nhảy, mời khán giả lên hát chung. Khán giả có thể thắc mắc anh Hùng ơi anh đóng phim hay quá, anh có thể múa võ được không. Vậy là tôi có bài hát múa võ, rồi khán giả vỗ tay ầm ầm. Niềm vui chỉ đơn giản vậy thôi.
Anh thường hát ở những sân khấu nào?
Tôi không chọn lọc hay kén chọn sân khấu để hát. Tôi không quan trọng phải chương trình lớn, hoành tráng. Tôi có thể đi hát những nơi hẻo lánh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, vùng núi Trà My của Quảng Nam, cũng có thể đi ghe vào tận mũi Cà Mau.
Những chỗ nào khán giả thiếu thốn điều kiện thưởng thức nghệ thuật là tôi có mặt. Mà đôi lúc tôi hát không phải vì tiền. Đi hát bán vé cho bà con coi dưới quê, 15 nghìn đồng một vé tính ra cát xê nghệ sĩ chẳng đáng bao nhiêu quan trọng là được phục vụ bà con và thỏa đam mê của mình. Có những chỗ phải trả tôi cát xê vài chục triệu một đêm nhưng có những chỗ tôi hát hoàn toàn miễn phí. Nhiều người hỏi tại sao tôi hồn nhiên, tôi trẻ vậy. Đó là do tôi không suy tư, âu lo nhiều về tiền bạc nên luôn cảm thấy thoải mái, tự tin.
Khi không còn đóng phim, tình cảm anh nhận được từ khán giả ra sao?
Ở miền Bắc có những người mê tôi từ lúc họ còn là học sinh đến nay họ đã có chồng, con, họ vẫn quý mến tôi, vẫn liên lạc bằng điện thoại, vẫn là anh em.
Có lần tôi đi hát ở Tây Ninh có một khán giả nữ lên sân khấu tặng hoa, ôm hôn tôi rồi yêu cầu tôi hôn lại. Tôi nói không được nhưng cô ấy nói nếu tôi không hôn lại cô ấy sẽ xấu hổ với nhóm bạn phía dưới. Những tình huống như thế tôi cũng gửi lại một nụ hôn rất tế nhị.
Đối với người hâm mộ, tình cảm của tôi rất rõ ràng nên tôi ít gặp trường hợp khó xử. Người ta có thể viết thư tỏ tình say đắm. Tôi nói rằng nếu là anh em thì không sao nhưng đi quá giới hạn thì tôi rất thẳng thắn.
Trong thời gian đó có khi nào anh chán nản đến mức bỏ nghề?
Tôi may mắn không gặp điều gì khiến mình chán nản đến mức bỏ nghè. Do gia đình có điều kiện kinh tế nên tôi có thể chọn lọc công việc. Có những bộ phim tôi thích thì tôi làm chứ không vì vị nể mà nhận. Nhiều người không thích nhưng vì lý do này kia vẫn nhận phim để rồi bất mãn dẫn đến chán nản với nghề. Kiếm tiền ai cũng kiếm tiền nhưng kiếm tiền một cách hợp lý và thoải mái sẽ vui hơn là kiếm tiền với tâm trạng không thoải mái sẽ ức chế, khó chịu. Có thể không có phim, tôi vẫn đi hát, làm MC. Tôi có nhiều sự chọn lựa so với các diễn viên khác.
Gần đây anh đóng phim trở lại nhưng không phải là Lý Hùng trong những vai thư sinh, anh hùng từng làm nức lòng công chúng như trước kia. Anh nói sao về điều này?
Sau bộ phim Ngọc trong đá (đóng cùng Lý Thu Thảo), mười mấy năm sau tôi mới được đóng vai phản diện. Tôi từng được mời rất nhiều nhưng không thích đóng những vai phản diện kiểu tình cách hèn hạ, mày mặt bặm trợn nên từ chối. Đối với vai diễn tôi không quan trọng phải là chính diện hay phản diện cái chính là mình diễn tả được không, mình có thích không, có hợp với mình không tôi mới nhận. Ngoài phản diện, tôi còn diễn hài trong phim Sitcom nữa. Hài là một trải nghiệm mới của tôi khi trở lại. Khán giả sẽ thấy Lý Hùngng đa dạng hơn, không phải là Lý Hùng trong những vai thư sinh, anh hùng, nghĩa khí.
Tôi thấy rất tự tin vì khán giả vẫn muốn thấy một cái gì mới lạ ở Lý Hùng để khán giả xem. Tôi rất hài lòng với vai phản diện và vai hài khi quay trở lại.
Nhiều người nói khi trở lại, hình ảnh của tôi mới phủ sóng ở miền Nam mà chưa ra Bắc. Đó là chuyện của nhà sản xuất. Những vai họ mời tôi chỉ biết đóng, còn họ chọn phát kênh nào đó là quyền của họ.
Đâu là lý do đạo diễn mời anh cho những dạng vai hài, phản diện rong khi anh được đo ni đóng giày với dạng vai chính diện?
Đạo diễn từng mời nhiều, tôi cũng từ chối nhiều, phản diện mà hạ cấp quá tôi không tham gia. Khi làm hà, tôii không biết có duyên hay không nhưng khi tôi đang quay khán giả cười rất nhiều, đồng nghiệp cũng khen tôi có duyên. Tôi được học bài bản về diễn xuất trong trường nên với bất cứ sinh viên điện ảnh nào, khi đã tốt nghiệp đều phải đảm bảo mình hóa thân được nhiều dạng vại chứ không bị bó buộc trong một hình mẫu nhất định.
Làm việc cùng các diễn viên trẻ có lợi thế về ngoại hình, anh có lo mình bị tụt hậu?
Về diễn xuất tôi được đào tạo chính quy nên không ngại gì hết. Một diễn viên muốn tồn tại lâu đều được đào tạo qua trường lớp. Chúng tôi có được cơ bản về lý thuyết diễn xuất. Không chỉ mình tôi tồn tại, còn rất nhiều diễn viên thế hệ tôi hoạt động như Trần Lực, Thu Hà…Có thể thế hệ trẻ bây giờ may mắn hơn chúng tôi vì được PR, thổi phồng tài năng lên rất nhiều còn chúng tôi phải đóng phim khán giả mới biết. Chúng tôi tự hào, hạnh phúc vì đến ngày hôm nay, đạo diễn, nhà sản xuất vẫn mời chúng tôi vai chính chứ không phải vai phụ. Nếu muốn tồn tại lâu, bản thân mình phải nghiêm túc với nghề. Nghiêm túc là sao? Bản thân tôi phải chịu khó luyện tập thể thao để giữ phong độ. Khi vào vai nhà sản xuất không ngại vì diễn viên vẫn còn giữ được sắc đẹp trên phim đâm ra họ sẵn sàng mời mình tiếp.
Tôi vẫn khuyên mấy em trẻ là làm gì thì làm phải chịu khó học, chịu khó đầu tư cho nghề. Nếu chỉ là một bình hoa di động đi tới đi lui là bị nghề đào thải ngay. Mình tôn trọng nghề thì nghề sẽ tôn trọng mình. Ngay cả diễn viên trẻ bây giờ, khi đóng phim cùng, tôi sẵn sàng học hỏi họ. Chịu khó đầu tư vào nhân vật, diễn xuất của mình mình sẽ tồn tại được.
Diễn viên thế hệ anh những ai trụ lại với nghề đều chuyển qua đạo diễn. Vì sao anh không làm?
Với khả năng của tôi, tôi có thể làm đạo diễn cho thỏa sức. Nhưng như vậy, tôi cảm thấy ông trời ưu đãi cho mình nhiều quá. Ngoài làm diễn viên, tôi còn làm MC, ca sĩ. Tôi cảm thấy mình không nên tham. Bởi vì làm đạo diễn khó lắm. Nói vậy không có nghĩa tôi không có khả năng đạo diễn. Ít nhất tôi cũng đồng hành cùng ba - NSND Lý Huỳnh trong phim Tây Sơn hào kiệt nhưng tôi nghĩ mình không nên tham quá. Đạo diễn đòi hỏi tư duy và sự đầu tư thật kỹ lưỡng.
Diễn viên chỉ việc học kịch bản và diễn. Còn đạo diễn, trước khi quay phim, phải nắm được đường dây kịch bản, cốt truyện, phân vai, bối cảnh… Sau phim lại phải lo khâu hậu kỳ. Tôi không muốn dành quá nhiều thời gian công sức cho một công việc đòi hỏi sự đầu tư chỉn chu như vậy vì tôi còn quá nhiều việc phải làm.
Tôi nghĩ chừng năm, mười năm nữa, khi tôi hạn chế đóng phim, đi hát, thể tôi sẽ chuyên tâm cho công việc đạo diễn. Tối sẽ quên hết tất cả để tập trung cho công việc này. Lúc đó, tôi cũng chín chắn hơn nên những bộ phim do tôi đạo diễn sẽ có chất lượng tốt.