Theo ông Mai Công Danh, sau khi nhận được báo cáo của Chi cục THADS TP. Đồng Hới giải trình về việc “chống” Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Quảng Bình, Cục THADS tỉnh Quảng Bình đã có văn bản hỏi về nghiệp vụ lên Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp). Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nhận được trả lời hướng dẫn nghiệp vụ từ Tổng cục THADS, nên Cục THADS tỉnh Quảng Bình đồng quan điểm với Chi cục THADS TP. Đồng Hới về việc “chống” lại Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Bình cũng xác nhận là đã nhận được văn bản của Cục THADS tỉnh Quảng Bình, có nội dung đồng quan điểm với Chi cục THADS TP. Đồng Hới “chống” lại Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, cả Cục THADS tỉnh Quảng Bình và Viện KSND tỉnh Quảng Bình đều từ chối cung cấp văn bản nói trên cho phóng viên.
Như Tiền Phong đã thông tin, cuối tháng 2/2023, Ngân hàng MB có đơn yêu cầu Chi cục THADS đình chỉ thi hành án đối với bà Phạm Thị Ngọc Tú, liên quan đến khoản vay hơn 53 tỉ đồng mà bà Tú thế chấp bằng khách sạn Green Star. Lí do yêu cầu đình chỉ là bà Tú đã trả nợ hơn 43 tỉ đồng, số còn lại giữa Ngân hàng MB và bà Tú có thoả thuận miễn giảm, không còn hợp đồng vay mượn.
Tuy nhiên, phía Chi cục THADS TP. Đồng Hới không thực hiện theo yêu cầu của MB mà nại ra nhiều lí do để không thực hiện việc đình chỉ thi hành án, đồng thời liên tục (4 lần) đưa tài sản là khách sạn Green Star ra đấu giá nhưng không thành.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Ngân hàng MB và bà Tú đã có đơn và Viện KSND tỉnh Quảng Bình ra quyết định Kháng nghị về việc không đình chỉ thi hành án, nhưng Chi cục trưởng Chi cục THADS TP. Đồng Hới Nguyễn Thị Phương Lan không tuân thủ, mà cho rằng Viện KSND tỉnh Quảng Bình vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Bình - người ký văn bản Kháng nghị số 2140/QĐ-VKS-P8 cho biết: Việc tiếp theo của Viện KSND tỉnh Quảng Bình là có báo cáo lên Viện KSND Tối cao, đồng thời kiến nghị đến Tổng cục THADS để họ có chỉ đạo thực hiện.
“Quyền của Viện kiểm sát là kiến nghị và kháng nghị. Pháp luật cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghiêm chỉnh kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát. Nếu họ không đồng tình là việc của họ. Sau này, nếu như việc làm này của họ gây ra hậu quả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cá nhân thì có thể xem xét trách nhiệm về hình sự” - ông Hùng nói.