Ngày 18/9, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối về tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cuối năm.
Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho biết, ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến các hội viên của hiệp hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ… Đến thời điểm hiện nay, có cửa hàng vẫn ngập sâu 3 m nước.
Theo ông Khanh, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương, nước rút đến đâu, các doanh nghiệp, thương nhân xăng dầu đã tổ chức bán hàng đến đó.
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho biết, trong 8 tháng, tập đoàn đã thực hiện 60% kế hoạch cả năm và khoảng gần 90% tổng nguồn được Bộ Công Thương phân giao cho cả năm nay.
Theo ông Năm, trong giai đoạn bão lũ, Petrolimex đã rất nỗ lực để đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị đứt gãy dù có khoảng 100 cửa hàng của Petrolimex bị ảnh hưởng nặng, nhiều cửa hàng sập mái. Bên cạnh đó, hoàn lưu bão cũng khiến trên 30 cửa hàng ngập nước, không thể bán được hàng. Trong cả trường hợp bão số 4 ảnh hưởng đến nước ta thì vẫn đảm bảo nguồn hàng bình ổn trong hệ thống. Những tháng cuối năm, nhu cầu xăng dầu sẽ không có diễn biến quá đột biến.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đầu mối cho biết, bão số 3 và sau đó là lũ lớn ở nhiều địa phương khu vực miền Bắc đã gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối của doanh nghiệp xăng dầu.
Theo phản ánh chung, các doanh nghiệp miền Bắc, đặc biệt là các doanh nghiệp ở địa phương cơn bão đi qua ít nhiều chịu tác động, thiệt hại của bão và hoàn lưu sau bão. Song các doanh nghiệp đã nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão để có thể cung ứng kịp thời xăng dầu đến người dân, đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy.
Một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn xăng dầu được phân giao cho cả năm 2024. Theo lý giải của các doanh nghiệp, hiện nay nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến, trong khi đó nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão, một số doanh nghiệp bị lỗ do những tháng gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh, trong khi lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối tài chính đang gặp khó khăn.
Không để thiếu nguồn cung xăng dầu
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay được Bộ Công Thương phân giao cho 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là hơn 28,43 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong 8 tháng năm nay, 2 nhà máy lọc dầu sản xuất khoảng 11,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xăng dầu nhập khẩu theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khoảng 8,25 triệu m3 tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao. Dự kiến 4 tháng cuối năm, hai nhà máy lọc dầu sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và sẽ phải nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3 tấn xăng dầu các loại.
Theo bà Hiền, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên. Các doanh nghiệp cũng phải rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định, tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu”.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cũng sẽ có những diễn biến khó lường, bão lũ có thể xảy ra. Do đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc thật kỹ về vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp.