Lượng khách tăng mạnh, du lịch khởi sắc

TP - Khách du lịch dịp đầu xuân Nhâm Dần tăng mạnh, kỷ lục có địa phương lên tới hơn 200-500%. Bức tranh du lịch năm 2022 bừng sáng cả ở thị trường nội địa lẫn tín hiệu xin mở cửa quốc tế hoàn toàn từ dịp đầu tháng 4.

Những con số ấn tượng

Trong 6 ngày đầu năm Nhâm Dần, nhiều địa phương ghi nhận những con số ấn tượng về du lịch. Tại nhiều nơi, một số thời điểm giao thông tắc nghẽn trong dịp Tết như Sa Pa (Lào Cai, đón khoảng 73 nghìn lượt khách dịp Tết Nguyên đán), Đà Lạt (Lâm Đồng) cháy phòng…

Đứng đầu về tăng trưởng có lẽ không địa phương nào vượt qua Lâm Đồng. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng cho biết, từ ngày 31/1 đến hết ngày 6/2, tổng lượng khách đến Lâm Đồng ước đạt trên 300 nghìn lượt, tăng 566% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu: khách lưu trú khoảng 120 nghìn lượt (tăng 128% so cùng kỳ năm ngoái), riêng TP Đà Lạt có khoảng 105 nghìn khách lưu trú. Lượng khách tập trung đông nhất từ chiều ngày 2/2 đến ngày 6/2, các cơ sở lưu trú du lịch đều đạt công suất trên 95%. Giá cả các dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng từ 30 - 40% so với ngày thường, chất lượng cơ bản được đảm bảo.

Phú Quốc là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NHẬT HUY

Dịp Tết này, nhiều du khách cắm trại hoặc quấn mền ngủ lộ thiên trên bãi cỏ, rừng thông ven hồ Xuân Hương và một số khu vực công cộng trên địa bàn TP Đà Lạt. Là do một số du khách không đặt phòng trước khi đến Đà Lạt nên gặp khó khăn trong việc tìm phòng nghỉ lúc cao điểm, một số khách lại muốn trải nghiệm hoạt động cắm trại ngoài trời. Cảm thông trước hoàn cảnh éo le, nhiều người dân Đà Lạt đã mở cửa cho khách du lịch vào ở trọ miễn phí.

Dải đất miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Bình Định đều ghi nhận tín hiệu vui. Huế tăng hơn 300% lượng khách. Đà Nẵng cũng phục vụ gần 50 nghìn lượt khách. Khánh Hòa cũng là điểm sáng khi đón gần 100 nghìn lượt khách từ 27 Tết đến mùng 6 Tết. Sở Du lịch Khánh Hòa thống kê, khách tới Khánh Hòa cao điểm từ mùng 3 tới mùng 6 Tết tại các khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài, trên các đảo, khu vực thành phố Nha Trang với công suất khách sạn và resort đạt hơn 80%.

Thiên đường du lịch Phú Quốc cũng nằm trong nhóm những điểm đến hấp dẫn nhất. Kiên Giang đón gần 100 nghìn lượt khách, trong đó Phú Quốc hơn 79 nghìn lượt (hơn 5.000 khách quốc tế). Công suất sử dụng phòng đạt 71,3%. Ngành hàng không tăng gấp đôi số chuyến bay chở khách từ khắp các tỉnh/thành tới đảo Phú Quốc với tần suất 60 chuyến/ngày.

Tuy nhiên, dịch bệnh làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch: các hoạt động vui chơi giải trí giảm về quy mô, không có hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bắn pháo hoa và lễ hội giao thừa đón năm mới. Một số cơ sở lưu trú du lịch chưa hoạt động trở lại, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu lao động phục vụ; khả năng tài chính, thu nhập của người dân và du khách đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh dẫn đến lượng khách đến chưa bằng với cùng kỳ năm ngoái.

Sa Pa kẹt cứng ngày đầu xuân. Ảnh: PV

Cần giữ đà phục hồi

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, không chỉ tạo ra sản phẩm, chương trình phục vụ khách du lịch dịp Tết Nguyên đán, hầu như các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch và khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh không tăng giá dịch vụ, chú trọng chất lượng phục vụ du khách. “Triển khai Chương trình kích cầu du lịch do địa phương phát động tổ chức, một cơ sở đưa ra các chương trình khuyến mãi để hút khách”, lãnh đạo Sở nêu. Giảm giá phòng, tặng kèm bữa ăn hoặc dịch vụ đi kèm… là những ưu đãi được nhiều cơ sở lựa chọn. Khuyến mại kéo dài từ Tết tới hết tháng 2, có cơ sở kích cầu dài hơi tới hết tháng 6 tới.

Nhận định về xu hướng du lịch phục hồi trong thời gian tới, ông Trần Văn Thọ, Trưởng phòng Văn hoá-Thông tin Phú Quốc nói: “Lượng khách du lịch đến Phú Quốc trong dịp tết năm nay tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bắt đầu từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, lượng khách tăng đột biến, có ngày đảo ngọc đón hơn 10 nghìn lượt khách. Mặc dù lượng khách tăng cao, nhưng cơ bản các cơ sở lưu trú đều đảm bảo và đáp ứng tốt”. Hiện nay, số lượng đặt tua tuyến, các chuyến bay đến với Kiên Giang đang tăng dần.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm, tín hiệu khách tăng mạnh dịp Tết đã tốt rồi, doanh nghiệp phấn khởi, địa phương đón khách vui trở lại nhưng điều quan trọng là giữ được nhịp tăng trưởng đó. “Theo tôi trước hết phải là chương trình lớn của Chính phủ. Dịp Tết vừa rồi du lịch phục vụ 6,3 triệu khách nội địa. Để tiếp tục duy trì mức phục hồi này cần có chính sách từ trung ương tới địa phương. Bộ VHTTDL chủ trì chương trình kích cầu nội địa, không chú trọng vào giảm giá sâu mà phải tăng giá trị, tăng sự trải nghiệm cho khách. Các địa phương nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động. Kỳ nghỉ vừa rồi kéo dài nên số khách tăng, vì thế từ sau Tết trở đi điểm du lịch nào vẫn đông khách mới thực sự là tăng trưởng bền vững”, ông Dũng phân tích.

Trước Tết, Hà Nội thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương, thu hút 12 tỉnh, thành phố tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ và cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, các địa phương phục hồi. Trung tâm du lịch hàng đầu của đất nước là TPHCM cũng liên kết du lịch với hầu hết các địa phương cả nước. Không chỉ chú trọng vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung mà du lịch TPHCM còn vươn ra khu vực 8 tỉnh Tây Bắc trong đó có chiến lược mở đường bay TPHCM và Điện Biên để thu hút du khách.

Phần lớn các địa phương đều có kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch cho năm 2022 không chỉ phục vụ khách nội địa, còn hướng tới kế hoạch đón khách quốc tế, dự kiến từ 1/4. Đà Nẵng dịp Tết vừa rồi đón 45-50 nghìn lượt khách, tuy thế ông Cao Trí Dũng cho rằng, Đà Nẵng vẫn đang dồn nguồn lực để đón khách quốc tế trở lại, trong đó có 5 thị trường trọng điểm là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản. Với du lịch nội địa từ nay tới hết tháng 5, ông Dũng khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần chăm lo cho nhu cầu và cấu trúc mới-du lịch nhóm nhỏ bằng xe gia đình, du lịch tại chỗ nhất là vào dịp cuối tuần.

Cần Thơ hút khách

Nhiều khu du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ thu hút đông khách đến tham quan trong dịp Tết. Tại Làng Du lịch sinh thái Ông Ðề (Phong Ðiền, TP Cần Thơ), khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, nằm giữa sông Hậu (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) rất đông khách đến tham quan, trải nghiệm. Người làm du lịch ở Làng du lịch sinh thái đã đầu tư trên 50 tiểu cảnh mới lạ, độc đáo để phục vụ du khách. Bà Lê Thị Bé Bảy, đại diện Câu lạc bộ du lịch cộng đồng Cồn Sơn cho biết, từ mùng 1 Tết đến nay trung bình mỗi ngày đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 31/01 đến ngày 5/2/2022, Cần Thơ đón khoảng hơn 178 nghìn lượt khách, tăng 10,3% so với dịp Tết Nguyên đán 2021. HÒA HỘI

Ðắk Lắk đón hơn 143 nghìn lượt khách

Trong 6 ngày nghỉ Tết, tỉnh Ðắk Lắk tiếp đón hơn 143 nghìn lượt khách, tăng hơn 51% so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Ðắk Lắk, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tổ chức các loại hình du lịch phục vụ khách vui xuân dịp Tết đảm bảo an toàn theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Giá phòng tại các cơ sở lưu trú, giá vé vào các điểm du lịch và các dịch vụ khác được niêm yết công khai. Nguyễn Thảo

Khách đông nhưng vừa mừng vừa lo

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đối diện với hai luồng cảm xúc trái ngược- vừa mừng vừa lo.

"Tôi mừng vì thấy lượng khách tăng đúng dự đoán qua đợt khảo sát gần đây của TAB: mong muốn của người Việt du lịch ngay trong thời điểm Tết cho đến mùa hè rất cao. Mừng vì sau một thời gian dài bị đóng cửa du lịch đóng băng lượng khách quay trở lại tăng mạnh, có vài nơi có điểm nghẽn như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, hay một số điểm đến như SaPa, Đà Lạt… chứng tỏ người dân du lịch nhiều. Như vậy người dân không những mong muốn du lịch, họ còn giữ vững sự tin tưởng đối với các điểm đến, tin ở sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Chính phân tích.

Du khách trải nghiệm trò chơi dân gian tại Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội

Thế nhưng, ông Chính nhắc tới một vài điều lo lắng cho ngành du lịch, đặc biệt là nỗi lo không biết xu hướng du khách tăng có thể giữ nhiệt dài lâu hay không. Kỳ nghỉ vừa rồi đủ dài để thu hút khách, nhưng từ nay cho đến hè, những thời điểm nghỉ dài tác động lớn tới du lịch nội địa không nhiều.

“Điều đáng lo nữa là do không có cảnh báo, không có định hướng của cơ quan quản lý cho nên một số điểm bị dồn, tắc nghẽn trong khi một số điểm du lịch khác thưa vắng hơn. Nếu khả năng cảnh báo, tư vấn tốt hơn thì có thể hướng khách du lịch trải đều tới nhiều điểm du lịch trong dịp nghỉ lễ. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp tâm sự, suốt thời gian dài bị thiệt hại vì cú sốc đóng cửa nên nhân sự ngành du lịch bị rơi rụng đi khá nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của du khách. Chính vì thế, du lịch muốn phục hồi trở lại cần có sự chuẩn bị kỹ càng ở nhiều phía, trong đó có củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch”, ông Chính phân tích.