> Quyết tâm mới vì lẽ sống còn
> Sự gương mẫu của T.Ư là cực kỳ quan trọng
Một trong những vấn đề trọng tâm của Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư khóa XI vừa kết thúc là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được dư luận đánh giá cao, cá nhân ông có suy nghĩ gì trong quá trình theo dõi?
Tôi cũng như nhiều người rất trông mong vào những nội dung quan trọng của Hội nghị lần này. Riêng về lĩnh vực xây dựng Đảng, tôi thấy cực kỳ quan trọng, đúng như trăn trở của Tổng Bí thư là chúng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, trong cán bộ, đảng viên, có cả ở một bộ phận cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.
Thành tựu đạt được là có nhưng những tồn tại, khó khăn vẫn còn nhiều. Chúng ta cần có thay đổi, chỉnh đốn để xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Như Bác Hồ nói đại ý chủ trương chính sách là một, biện pháp, kế hoạch là năm còn tổ chức thực hiện là mười. Cái chúng ta đã làm được là chủ trương, các cuộc vận động, nhưng các biện pháp thật cụ thể triển khai vào cuộc sống thì chưa được nhiều.
Tôi không quan điểm chỉ nhìn thấy toàn mặt xấu nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Những điều Tổng Bí thư nói là rất mạnh mẽ, quyết liệt. Tôi cho rằng những tư tưởng chỉ đạo ấy phải được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc để triển khai cụ thể.
Cần tinh thần của Đại hội VI
Ông có thể cho biết cụ thể hơn cần triển khai thế nào?
Đối với việc một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng thì các Ban Đảng cần phối hợp với các cấp, các ngành triển khai ngay và báo cáo với Bộ Chính trị, trong đó có một số nội dung cần đưa ra BCH T.Ư xem xét và quyết định.
Tôi nghĩ, ít nhất là phải làm được như thế thì mới hy vọng tạo ra những chuyển biến.
Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là tệ nạn tham nhũng. Theo tôi, chúng ta thử đánh giá tổng quát trong toàn Đảng của chúng ta, từ trung ương đến địa phương thì tỉ lệ tham nhũng là bao nhiêu?
Tôi là đảng viên lâu năm, sinh hoạt trong Trung ương mà tôi cũng không có thông tin này. Phải đánh giá cho được tình hình tham nhũng ở từng cấp, từng ngành là như thế nào? Không thể nói tham nhũng chung chung, vì nhiều và rất nhiều đảng viên không có chức có quyền thì rất khó tham nhũng.
Muốn tìm nguyên nhân thì lại phải trở về với những tư tưởng chỉ đạo của Đại hội VI của Đảng với phương châm: Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật cũng như khẩu hiệu: Đổi mới hay là chết!
Tôi nhớ lại, tinh thần đổi mới Đại hội VI cũng như không khí suốt những năm tiếp theo sôi nổi lắm. Bây giờ chúng ta đang đánh giá tình hình của chúng ta như thế nào, đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật chưa?
Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật theo ông phải thể hiện như thế nào trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
Lấy ví dụ ở Hà Nội nếu nói cán bộ tham nhũng chỉ 10% thì tôi nghĩ nó nhẹ nhàng quá nhưng bao nhiêu phần trăm tôi chưa dám nói.
Hội nghị lần thứ tư, BCH T.Ư Đảng khóa XI cho rằng một trong số những vấn đề cấp bách hiện nay về xây dựng Đảng là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nói “bộ phận không nhỏ” là bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm? Vì tôi là người làm Khoa học - Kỹ thuật Thủy lợi nên cái gì tôi cũng muốn lượng hóa nó ra để đánh giá. Hay nói là một bộ phận cấp cao thì cấp cao ở đâu. Cũng cần chỉ ra!
Những việc này tôi biết là rất khó, rất nan giải vì nói ra thì dễ đụng chạm. Nếu không có tinh thần cộng sản chân chính thì không giải quyết được.
Thực hiện từ cấp cao
Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư có nhắc đến việc phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, ông đánh giá thế nào về ý này?
Đúng, về nguyên tắc là như thế nhưng bây giờ là làm thế nào để xác định cụ thể và rõ ràng hơn về thẩm quyền. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cá nhân và tập thể các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương quy định như trong Điều lệ Đảng là quá thiếu.
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ những quy định về nội dung tương tự trong Hiến pháp là khá cụ thể. Trong điều kiện nước ta chỉ có một Đảng lãnh đạo thì vấn đề này vô cùng quan trọng.
Ví dụ như: Tổng Bí thư có những nhiệm vụ, quyền hạn gì, Trung ương bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Chính trị bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn, phải làm cho rõ để tránh dẫn đến hiện tượng lạm quyền, vượt quyền.
Một vấn đề khác, trong Điều lệ Đảng cũng cần quy định rõ về một nội dung rất quan trọng trong việc tuyển chọn lãnh đạo ở các vị trí chủ chốt như thế nào. Trong điều kiện chỉ có một Đảng, muốn có dân chủ thì phải có tranh cử. Cần bổ sung vào Điều lệ Đảng phương thức tranh cử. Làm được điều đó, tức là phải đổi mới cơ chế nhân sự.
Về giải pháp, ý kiến của Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến việc từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, ông có kỳ vọng điều này sẽ mang lại hiệu quả?
Điều tôi quan tâm là tình hình phê bình và tự phê bình hiện nay yếu. Nếu ai không đồng ý nhận định này xin được tranh luận. Tôi chưa nhìn thấy rõ giải pháp cụ thể để đạt hiệu quả trong công tác phê bình và tự phê bình. Ở đây có lẽ khâu kiểm tra, giám sát là rất quan trọng. Lần này phải thiết lập cho được cơ chế kiểm tra, giám sát.
Một vấn đề rất quan trọng là kê khai tài sản. Những năm qua có yêu cầu kê khai đấy, nhưng có cơ chế nào để kết luận việc kê khai chính xác đến đâu.
Tôi nhớ, có lần ở Quốc hội, sau khi ở các Đại biểu ở một Đoàn Đại biểu Quốc hội xem bản kê khai tài sản của một ứng cử viên thì nhiều Đại biểu thốt lên rằng: Chúng tôi buồn quá, cán bộ cấp cao mà tài sản chỉ có như thế thì dân chúng tôi còn khổ biết bao nhiêu! Đây chỉ là câu chuyện hài hước.
Bây giờ trong nhân dân bàn nhiều chuyện lắm. Dân là chủ mà! Chúng ta muốn có được niềm tin của dân thì phải công khai, minh bạch. Ngay như chuyện học tập và làm theo tấm gương tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, tôi cho rằng phải triển khai từ cấp cao nhất, hãy công khai chương trình học tập Bác Hồ đi, trừ những việc liên quan đến bí mật quốc gia còn ngoài ra thì trình bày công khai cho người dân được biết và giám sát. Làm được như thế thì uy tín Đảng ta sẽ vô cùng lớn.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong Hội nghị vừa qua, theo ông sẽ có những đổi thay gì trong thời gian tới?
Tôi xin nhấn mạnh lại là tại diễn đàn Hội nghị Trung ương mà Tổng Bí thư nói lên những điều đó là rất tốt. Tôi chăm chú nghe và xúc động lắm! Tôi đánh giá cao về những lời nói dũng cảm đó.
Chúng ta phải đoàn kết, sát cánh bên BCH T.Ư Đảng, bên đồng chí Tổng Bí thư để hành động.
Chúng ta rất mong việc triển khai các biện pháp để tổ chức thực hiện. Làm sao để cho mỗi người cảm thấy có mình ở trong đó, thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, phải khơi dậy được tinh thần trách nhiệm của người đảng viên.
Điều quan trọng bây giờ là những giải pháp cụ thể, những điểm nhấn, những việc cần làm ngay để hiện thực hóa những quyết tâm trên vào thực tiễn cuộc sống.
Xin cảm ơn ông.
Hà Nhân - Cao Nhật thực hiện