Lực lượng shipper TPHCM mong lấy được kết quả xét nghiệm sớm

TPO - Ngày 24/9, ngày đầu tiên TPHCM chính thức áp dụng việc các hãng vận tải công nghệ tự xét nghiệm shipper và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do lượng shipper đổ về quá đông, thời gian chờ xét nghiệm và lấy kết quả kéo dài hơn dự kiến.
Các shipper xếp hàng dài chờ xét nghiệm COVID-19 trưa ngày 24/9

Ghi nhận tại một số phòng khám trên nhiều tuyến đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), Nguyễn Duy Dương (quận 10), Trần Hưng Đạo (quận 1)…, nơi nào cũng đông shipper chờ đợi xét nghiệm và nhận kết quả trước khi mở app (ứng dụng) nhận đơn hàng.

Đứng chờ kết quả trước một phòng khám trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 10), cạnh bệnh viện Hòa Hảo, anh Đỗ Văn Tình (shipper ứng dụng AhaMove), cho biết đã xếp hàng từ 6 giờ sáng, đến hơn 8 giờ đến lượt xét nghiệm, nhưng đã gần 11 giờ chưa lấy được giấy kết quả.

Nhóm shipper chờ xét nghiệm tại một phòng khám ở quận 10

Theo anh Tình, hãng xe có thông báo cho tài xế về các điểm lấy mẫu cố định, giá 75.000 đồng/lần (giấy chứng nhận có hiệu lực trong 3 ngày) nhưng tài xế phải đăng ký trước và địa điểm cũng không thuận tiện. Nhà ở quận Tân Bình nhưng anh phải chạy sang quận 10 để làm xét nghiệm dịch vụ.

Trong khi đó, chị Mai Hoa (shipper giao hàng nhanh) cho biết, từ sáng sớm đã chạy 4-5 điểm để xét nghiệm nhưng điểm nào cũng đông, xếp hàng dài cả chục mét. Đặc biệt những nơi có giá xét nghiệm rẻ (khoảng 75.000 đồng/lần) thì quá đông.

“Đồng nghiệp giới thiệu nhau những điểm cho lấy mẫu gộp, giá mẫu gộp 3 người là 300.000 đồng/lần, tức chia ra mỗi người còn 100.000 đồng/lần. Đắt hơn của công ty nhưng mình chủ động được thời gian” – chị Hoa nói.

Tài xế các hãng công nghệ chờ đợi xét nghiệm và lấy kết quả

Trên nhiều hội nhóm shipper công nghệ, nhiều tài xế cho biết, để đưa được hàng họ phải mất 260.000 đồng. Cụ thể, chi phí mua riêng một bộ xét nghiệm mất 160.000 đồng, chi phí xét nghiệm thêm 100.000 đồng. Theo các shipper, phí xét nghiệm hiện tại đang ở mức cao dẫn tới việc họ không muốn ra đường nhận đơn hàng.

Trong điều kiện khó khăn, hiện nhiều hãng xe đã hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho shipper. Cụ thể, hãng Grab cho biết, bắt đầu từ ngày 24/9, đối tác tài xế hoàn thành đủ số khung giờ hoạt động cần thiết trên ứng dụng Grab sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/tuần để thực hiện xét nghiệm theo quy định của cơ quan chức năng.

Các tài xế có thể đăng ký với Grab để được xét nghiệm nhanh COVID-19 (có thu phí) tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM như sau: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (quận Tân Bình), mức phí tham khảo 160.000 đồng/người; Bệnh viện Lê Văn Thịnh (trụ sở chính, TP Thủ Đức), Bệnh viện Lê Văn Thịnh (điểm xét nghiệm lưu động, TP Thủ Đức), mức phí tham khảo 75.000 đồng/người.

Ngoài ra, Grab còn thưởng khi tài xế đảm bảo mức doanh thu lên đến 160.000 đồng trên mỗi khung giờ hoạt động. Bên cạnh đó, các tài xế còn được nhận thêm khoản thưởng từ 3.000-5.000 đồng/đơn hàng hoàn thành khi đối tác hoàn thành khung giờ hoạt động đã đăng ký.

Tài xế có kết quả âm tính mới được mở app nhận đơn hàng

Ông Nguyễn Việt Linh - đại diện BeGroup cho biết, hãng có phương án tự tổ chức xét nghiệm kể từ ngày 24/9. Đơn vị này đã liên hệ với bệnh viện, cơ sở y tế với chi phí xét nghiệm hợp lý nhất, khoảng 75.000 đồng/lần xét nghiệm (giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày.

Baemin cho biết sẽ hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm cho toàn bộ đối tác tài xế của hãng trên địa bàn TPHCM từ nay đến hết ngày 30/9.

Trong sáng ngày 24/9, Sở Công thương TPHCM đã họp khẩn với 34 doanh nghiệp triển khai dịch vụ giao hàng qua ứng dụng công nghệ trên địa bàn Thành phố để bàn phương án xét nghiệm cho lực lượng shipper.

Theo đó, Sở Công thương đề xuất phương án để các tài xế tự xét nghiệm COVID-19 theo mẫu gộp 3 người. Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần.

Việc xét nghiệm này không giới hạn bởi shipper có thể tự mua bộ kit để xét nghiệm. Mỗi tài xế sẽ tự chịu trách nhiệm với việc cung cấp thông tin về kết quả xét nghiệm của mình, đảm bảo tần suất theo quy định của thành phố hiện nay. Doanh nghiệp nhận thông tin kết quả xét nghiệm từ shipper để cập nhật lên hệ thống. Doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về việc nhận thông tin và cập nhật, không chịu trách nhiệm về tính đúng/sai với kết quả xét nghiệm của shipper.