Luật sư: Ông Đinh La Thăng bị cấp dưới đổ tội?

TPO - TAND Cấp cao tại Hà Nội, ngày 11/5, các luật sư được phát biểu quan điểm bào chữa cho nhóm bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa phúc thẩm.

Tranh cãi lý do chỉ định thầu

Mở đầu, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN đề nghị tòa bỏ qua quan điểm từ kiểm sát viên khi đề nghị bác kháng cáo của thân chủ mình.

Trước đó, kiểm sát viên khẳng định năm 2011, ông Thăng đã chỉ đạo Tổng Cty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33, cho PVC là tổng thầu duy nhất thực hiện dự án Thái Bình 2. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng cho PVC.

PVC đã sử dụng sai số tiền này, gây thiệt hại 119 tỷ đồng. Thiệt hại được giám định tài chính tính toán trên cơ sở lãi suất của số tiền PVC không sử dụng vào Thái Bình 2.

Bảo vệ ông Thăng, luật sư Hoài cho rằng, tòa sơ thẩm và kiểm sát viên cấp phúc thẩm không đánh giá, phân biệt phạm vi, ranh giới trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng. Trong vụ án, cần phân biệt rõ trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV PVN; HĐTV PVN; ban quản lý, điều hành Thái Bình 2 và pháp nhân độc lập là PVPower. Trong đó, PVPower đã trực tiếp ký hợp đồng EPC số 33 (sai phạm) với PVC.

Về việc ông Thăng và PVN chỉ định PVC là tổng thầu, luật sư Hoài dẫn các văn bản của Chính phủ cho phép PVN thực hiện Thái Bình 2 theo cơ chế đặc thù. Ngoài ra, ông Hoài đề nghị tòa phúc thẩm làm rõ tại sao ban đầu PVN xây dựng phương án liên danh tổng thầu nhưng sau đó lại chỉ định thầu.

Luật sư Hoài khẳng định, PVPower từng ký hợp đồng với một Cty của Mỹ thực hiện gói thầu thẩm tra thiết kế và tổng dự toán dự án. Bị cáo Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC cũng khai, từng làm việc với nhà thầu nước ngoài thực hiện liên danh nhưng không làm được.

Ông Phan Trung Hoài cho rằng không có nhà thầu nước ngoài tham gia vì PVN chỉ được bảo lãnh vốn cho PVC (Cty thành viên); nếu có nhà thầu nước ngoài, phải Chính phủ mới có thể bảo lãnh vốn.

Về thiệt hại vụ án, ông Hoài thừa nhận giám định viên đã tính con số thấp nhất trong các mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra. Tuy nhiên, luật sư Hoài đề nghị tòa phúc thẩm và VKSND xem xét việc chính NHNN khẳng định các mức lãi suất này không áp dụng cho PVN và các đơn vị thành viên.

Đổ tội cho cấp trên?

Cũng bảo vệ cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm, những diễn biến mới nhất tại phiên phúc thẩm đã không được kiểm sát viên cập nhật; những nguyên tắc suy đoán có tội được áp dụng tại phiên sơ thẩm tiếp tục được sử dụng.

Cụ thể, tại tòa phúc thẩm, ông Thăng đã thừa nhận bản thân có hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Việc này rất mới khi ở phiên sơ thẩm, bị cáo chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Thiệp cũng phản biện quan điểm của kiểm sát viên khi cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã tạo điều kiện cho PVC nên mới chỉ định thầu, chỉ đạo tạm ứng cho PVC, đây là hành vi phạm tội.

Vị luật sư dẫn các chứng cứ thể hiện, khi PVPower đề nghị tăng vốn để tạm ứng cho PVC, bị cáo Thăng đã 2 lần từ chối với bút phê “phương án tăng vốn đâu?” và “PVN không phải thủ quỹ…”. Như vậy, qua việc không cho PVPower tăng vốn, chính ông Thăng đã gián tiếp từ chối cho PVC ứng tiền trong dự án Thái Bình 2.

Tiếp đó, luật sư phân tích luận điểm của kiểm sát viên đã dựa vào lời khai của nhân chứng Vũ Huy Quang – TGĐ PVPower nội dung từng báo cáo EPC số 33 sai phạm trong một cuộc họp tháng 3/2011 làm căn cứ buộc tội bị cáo Thăng.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp trong phiên tòa.

Tuy nhiên, theo luật sư Thiệp, ông Quang là người trực tiếp ký hợp đồng nói trên. “Nếu không có hợp đồng này sẽ không có ứng tiền, không có hậu quả và không có vụ án hôm nay. Thế nhưng giờ ông Quang lại ngồi ngoài với tư cách nhân chứng” – luật sư Thiệp trình bày.

Theo ông, nhân chứng Vũ Huy Quang có thể có những lời khai loại trừ trách nhiệm cho mình, buộc tội cho người khác. “Đây là nguyên tắc suy đoán chứng cứ” – ông Thiệp nói đồng thời cho rằng cuộc họp trên có hàng chục người, có biên bản nhưng tất cả đều không thể hiện ông Quang báo cáo EPC sai phạm.

Tương tự, luật sư Phan Trung Hoài cũng cho rằng chủ thể ký hợp đồng EPC số 33 đang có những trình bày đổ tội cho cấp trên