Khi áp dụng cơ chế tạm tha, người từng phạm tội sẽ có nhiều điều kiện trở lại cộng đồng để sớm hoàn lương một cách đầy đủ cũng như xóa dần được mặc cảm với dư luận xã hội và những người xung quanh.
Hơn nữa, việc áp dụng rộng rãi chế định này sẽ nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình và xã hội khi cùng Nhà nước phối hợp giáo dục, quản lý và giúp đỡ những người đã từng lầm lỡ, từ đó sẽ làm giảm tỷ lệ phạm tội cũng như vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đây cũng là một nội dung phù hợp với xu thế chung, bởi đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, thậm chí đã có từ rất lâu. Nhìn ra thế giới, các quốc gia tiên tiến đã triển khai cơ chế tạm tha, như Anh, Mỹ, Canada, Thụy Điển, Hà Lan, hay ngay cả các quốc gia đang phát triển, gần gũi với chúng ta, như Trung Quốc, Malaysia cũng đã triển khai mô hình này. Lâu đời nhất có thể kể đến Thái Lan, khi họ đã đưa chế định tạm tha vào hệ thống pháp luật từ năm 1936.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng mở rộng quá đà, cần quy định chi tiết các điều kiện để được tạm tha, phải hướng tới việc người phạm tội thật sự đã cải tạo tốt, ăn năn hối cải và mong muốn hòa nhập cộng đồng. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và các cơ chế liên quan đến đội ngũ quản lý ở cơ sở cũng cần được xem xét đến, vừa để nâng cao trách nhiệm, vừa để người được tạm tha nhanh chóng hòa nhập với xã hội.
Post by Báo Tiền Phong.