Chủ trì phiên họp Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 18/8/2006 thảo luận về dự án Luật cư trú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị các đại biểu tập trung ý kiến vào vấn đề tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.
Về mô hình quản lý cư trú, đa số ý kiến nhất trí với dự án Luật là vẫn giữ sổ hộ khẩu cho gia đình hoặc cá nhân, nhưng không được lấy sổ hô khẩu làm điều kiện giải quyết các việc khác gây khó khăn, phiền hà cho dân mà phải tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc đăng ký cư trú, đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa), Lương Phan Cừ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng: việc dùng sổ hộ khẩu để quản lý cư trú là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay mà nên thay đổi bằng thẻ cư trú.
Về đăng ký thường trú, dự án Luật đã đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, trong thời gian 24 tháng người chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.
Phương án 2, người đã đăng ký thường trú mà thay đổi và chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi ở đăng ký thường trú. Về vấn đề này, các đại biểu Trần Thanh Khiêm (Cà Mau), Phan Trung Lý (Nghệ An), Nguyễn Đình Lộc (T.P Hồ Chí Minh)…cho rằng: việc quy định 24 tháng đến nơi ở mới phải đăng ký là không phù hợp với thực tế, vì có thể không cần đến 24 tháng, nhưng có trường hợp 24 tháng vẫn chưa thể đăng ký được mà nhất trí với phương án 2 quy định "đến chỗ ở mới có trách nhiệm đăng ký" (không quy định thời gian cụ thể).
Các đại biểu này cho rằng trong thực tế quản lý cư trú hiện nay, có người không còn chỗ ở hợp pháp hoặc đã thay đổi chỗ ở hợp pháp tại nơi đã đăng ký thường trú, nhưng không chuyển hộ khẩu, gây khó khăn cho việc quản lý cư trú, do vậy cần phải quy định cụ thể để vừa đảm bảo quyền tự do cư trú, vừa có thể quản lý trong khuôn khổ pháp luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu vấn đề do điều kiện đăng ký thường trú đã được mở rộng hơn, do đó trong Luật cư trú cần quy định rõ trường hợp người thuê nhà, mượn nhà, ở nhờ nhà đã được chủ nhà cho đăng ký hộ khẩu, nay thời hạn đã hết phải chuyển sang thuê hay ở nhờ nhà khác, nhưng chủ nhà mới lại không đồng ý cho đăng ký hộ khẩu thường trú thì giải quyết thế nào?
Trường hợp này có ý kiến đề nghị làm thủ tục đăng ký tạm trú. Nhưng, ý kiến khác lại cho rằng, quy định như vậy thì vô hình chung dẫn đến việc xóa hộ khẩu thường trú của những người thuê nhà, mượn nhà, ở nhờ nhà, vì trường hợp này có thể dẫn đến việc họ không được nhập hộ khẩu ở nơi ở mới, mà trong thực tế việc thực hiện nhiều quyền và việc đảm bảo lợi ích hợp pháp của công dân được gắn với điều kiện phải có hộ khẩu thường trú.
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (T.P Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Tại sao lại lấy tiêu chuẩn thường trú làm điều kiện giải quyết các vấn đề khác; lấy thường trú để đảm bảo cho việc thực hiện các quyền tự do khác của công dân. Do vậy ông đề nghị Luật cần quy định rõ: không được lấy việc thường trú để làm điều kiện giải quyết các quyền lợi khác của công dân.