Kể từ năm ngoái, các công ty của Hàn Quốc lâm vào tình cảnh khốn đốn bởi làn sóng tẩy chay sau khi Seoul nhất trí triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa Thaad của Mỹ trên phần đất của tập đoàn Lotte khiến chính quyền Bắc Kinh “nổi giận”.
Lotte - tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, một trong những nạn nhân lớn nhất của căng thẳng chính trị Hàn - Trung, đang cân nhắc bán lại chuỗi siêu thị của mình tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong quý 2, doanh thu của chuỗi siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc giảm xuống còn 21 tỷ Won (18,5 triệu USD), giảm hơn 90% so với doanh thu 280 tỷ Won cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, thị trường này mang về cho Lotte Mart 1,2 nghìn tỷ Won, tương đương 15% doanh thu.
Doanh thu của chuỗi siêu thị này được dự kiến sẽ giảm hơn 1.000 tỷ Won (khoảng 885 triệu USD) trong năm 2017 do khách hàng đang tiếp tục tẩy chay tất cả các cửa hàng và sản phẩm từ Hàn Quốc.
Từ cuối tháng 2/2017, trong số 99 siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc, có tới 87 điểm đã bị buộc phải đóng cửa với nhiều lý do như vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy.
“Tình hình kinh doanh của Lotte tại Trung Quốc ngày càng tồi tệ và không có dấu hiệu hồi phục, do đó, chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó có phương án bán chuỗi siêu thị tại đây”, Lotte cho biết hôm thứ 11/9. “Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ tìm kiếm giải pháp ngoại giao tích cực hơn bởi chẳng công ty nào có thể làm được việc này”.
“Thậm chí trước khi căng thẳng chính trị xảy ra, Lotte Mart đã đang phải vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ bán lẻ địa phương và nhiều hãng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc”, một chuyên gia phân tích ngành bán lẻ cho biết. “Tốt hơn hết hãng này nên dừng hoàn toàn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc để bảo toàn lợi nhuận chung của tập đoàn. Tuy nhiên, đây không phải là quyết định dễ dàng, nhất là khi hãng này đang hoạt động trên quy mô lớn tại đây”.
Nhiều công ty Hàn Quốc khác cũng chịu chung số phận với Lotte do căng thẳng chính trị liên quan tới Thaad. Trong 7 tháng đầu năm, doanh thu của Hyundai Motor và công ty con Kia Motors giảm gần 50% so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận loạt động của hãng mỹ phẩm hàng đầu của Hàn Quốc, AmorePacific, cũng sụt gần 30%.
Trước tình hình khó khăn, nhiều công ty đang cân nhắc thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi thị trường Trung Quốc. Đối thủ đồng hương của Lotte, Shinsegae, đang xem xét việc bán 6 siêu thị E-mart còn lại của mình tại Trung Quốc, nằm trong kế hoạch rút khỏi thị trường này vào cuối năm nay. Hãng này đang làm việc để bán siêu thị cho tập đoàn Charoen Pokphand Group của Thái Lan, tờ báo kinh tế Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc cho biết.
E-mart gia nhập thị trường Trung Quốc khoảng 20 năm trước và phát triển với 26 siêu thị tại đây. Do không có lợi thế nhờ quy mô, cùng với làn sóng tẩy chay của dân bản địa, trong 5 năm qua, hãng này lỗ khoảng 200 tỷ Won tại Trung Quốc.
Trong khi đó, tập đoàn Orion của Hàn Quốc mới đây cũng sa thải 1/5 nhân viên tại Trung Quốc và thay giám đốc chi nhánh tại đây khi doanh thu nửa đầu năm giảm tới 64% so với cùng kỳ năm trước. Orion là nhà sản xuất bánh kẹo lớn thứ hai tại Trung Quốc. Năm ngoái, doanh thu của hãng này tại đây là 1,3 nghìn tỷ Won, chiếm 56% tổng doanh thu.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc đảm bảo hoạt động thương mại thông suốt giữa 164 quốc gia thành viên của tổ chức.
“Động thái trả đũa của Trung Quốc đối với các công ty của Hàn Quốc đang vi phạm nghiêm trọng tinh thần của WTO”, Park Sang-in, giáo sư Đại học quốc gia Seoul nhận định. “Hàn Quốc có thể kiện Trung Quốc ra WTO nhưng không muốn làm vậy bởi có thể làm căng thẳng thêm tình hình”.
Trước thông tin Lotte có kế hoạch tái cơ cấu hoạt động tại Trung Quốc, giới đầu tư tỏ ra lạc quan giúp cổ phiếu của Lotte Shopping tăng 2,2% lên 232.000 Won/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 11/9, phục hồi từ mức giảm 3,2% từ phiên giao dịch trước. Chỉ số KOSPI cũng tăng 0,66% lên 2.359,08.