Lọt 'sạn' SGK lớp 1: Hội đồng thẩm định có chủ quan, dễ dãi?

TP - Sách giáo khoa dạy đại trà cho học sinh lớp 1 để lọt “sạn” do hội đồng thẩm định có phần chủ quan và dễ dãi khi thẩm định sách hoặc quy trình thẩm định thiếu chặt chẽ, TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục, nhận định.  
Nhiều người nói rằng, học sinh lớp 1 đang phải đánh vật với SGK Tiếng Việt

Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 năm nay bị nhiều người chê là có “sạn”. Ông nghĩ sao?

Trong một số bộ SGK của lớp 1 năm nay có một số “hạt sạn” như nhiều người đã chỉ ra. Đây là những sai sót đáng tiếc. Nhưng các tác giả sẽ tiếp thu và sửa chữa để thẩm định lại, và nếu vượt qua, có thể sử dụng cho các năm sau. Cũng cần lưu ý, ngay sau đây, chính các nhóm tác giả này cần rút kinh nghiệm để không mắc phải các sai sót này trong các bộ SGK tiếp theo, của lớp 2 và lớp 6, sẽ đưa vào sử dụng trong năm sau.

TS Giáp Văn Dương

Nhưng điều tôi lo ngại là bản thân các tác giả hay hội đồng thẩm định cũng chỉ có thể sửa chữa các lỗi kỹ thuật, chứ không dễ sửa lỗi hệ thống. Cụ thể, triết lý giáo dục làm định hướng cho bộ sách và giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu trong suốt quá trình biên soạn và thẩm định sách cho đến nay vẫn không được phát biểu tường minh và thuyết phục. Thời gian biên soạn sách cũng quá gấp gáp, nên không thể dạy thể nghiệm trên diện rộng, dẫn đến không có được phản hồi chính xác của giáo viên và học sinh.

Ông đánh giá thế nào về việc Bộ GD&ĐT phải yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát lại SGK này?

SGK tuy là sản phẩm của các nhà xuất bản, nhưng lại có những tính chất của hàng hóa công. Vì thế, khi đã có phản hồi của xã hội, đặc biệt là của giáo viên, thì việc xem xét và thẩm định lại là cần thiết. Việc phải thẩm định lại chỉ sau một tháng đưa vào sử dụng là chỉ dấu cho thấy, có lẽ Hội đồng thẩm định đã có phần chủ quan và dễ dãi khi thẩm định sách, Hội đồng thẩm định có những giới hạn về chuyên môn, hoặc quy trình thẩm định thiếu chặt chẽ. Cũng có thể, thời gian thẩm định quá gấp, tiến độ làm sách quá cấp tập, nên đã bỏ qua những sai sót kỹ thuật.

Cũng xin lưu ý, Hội đồng thẩm định cũng chỉ là một mắt xích trong một hệ thống. Nên nếu lỗi thuộc về “lỗi hệ thống” thì Hội đồng thẩm định cũng có những khó khăn nhất định.

Theo ông, dư luận về SGK mới vừa qua cho thấy điều gì?

Những phản hồi vừa qua cho thấy, xã hội rất quan tâm đến giáo dục. Tiêu chuẩn chất lượng của người sử dụng đối với các sản phẩm giáo dục, đặc biệt là SGK, ngày càng cao so với trước đây. Ngoài ra, các phản hồi này cũng cho thấy, chất lượng của các sản phẩm giáo dục, trong đó SGK chỉ là một ví dụ, hiện vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng nói chung của xã hội.

Đây là điều giới giáo dục, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia biên soạn và thẩm định SGK cần nghiêm túc suy nghĩ để tìm cách cải thiện trong thời gian tới, với mục tiêu rất cụ thể: Làm thế nào để SGK lớp 2 và lớp 6 năm tới có chất lượng tốt, không mắc những sai sót đáng tiếc như sách lớp 1 của năm nay.

Đặc biệt, cần huy động sự đóng góp ý kiến của giới chuyên môn bên ngoài nhóm làm sách.

Cảm ơn ông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:  SGK phải phù hợp văn hóa, trẻ em Việt Nam

Sáng 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng (Hải Phòng). Liên quan vấn đề SGK, Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề cử tri và đại biểu nêu và sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Thủ tướng nói rằng, SGK và sách tham khảo “đụng” đến từng nhà, từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân, đồng thời phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam.

LUÂN DŨNG