Một chiếc đuôi voi trưởng thành nguyên vẹn thường có tới hàng nghìn sợi lông to dài, mọc xoè ra như hình cánh quạt, rậm từ gốc cho tới tận ngọn đuôi. Trước nạn “vĩ mao tặc” chuyên nhổ lông voi, chặt đuôi voi ngày càng hoành hành dữ dội, nhiều chủ voi chỉ còn biết bảo vệ voi của mình bằng cách đành lòng... cắt sạch lông đuôi của chúng. Mớ lông cắt ấy dành tặng bạn hoặc đem bán cho các tiệm kim hoàn thu bộn tiền. Còn chiếc đuôi trụi lủi suốt ngày ngoe nguẩy kia phải chăm tới hai năm sau, những sợi lông to dày mới mọc dài trở lại.
Chỉ còn vài hôm nữa đoàn voi hành quân về phố thì bọn “vĩ mao tặc” ác độc lại ra tay! Nài voi lẫn chủ voi gục xuống ôm con H’Tuk đang kêu rống vì đau đớn, khúc đuôi cụt phun máu như mưa rào, bật khóc!
Truyền thuyết: ngày xưa, có đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng không lấy nhau được vì mâu thuẫn giữa hai làng, bèn cậy thần Nguăch Ngual cứu giúp. Thần tặng cho một chiếc lông đuôi voi, dặn đi đâu cũng mang theo sẽ gặp nhiều may mắn. Đôi trẻ vâng lời, lần lượt vượt qua mọi trở ngại, được sống bên nhau tới đầu bạc răng long.
Thế nên dân gian mê tín thì cả tin lông đuôi voi là “bùa yêu” gắn bó chung thuỷ, có thể trừ tà khử độc, mang theo người sẽ luôn bình an, may mắn.
Giới thượng lưu quyền thế ở Tây Nguyên đã dùng lông đuôi voi bện thành những món quà đặc biệt tặng nhau. Hàng chục sợi lông lớn ở chót đuôi voi, bện được 1 chiếc vòng đeo tay. Gấp vài lần số lông đó đan thành chiếc vòng cổ đính mặt ngọc, hoặc nơ cài tóc kèm cây trâm chuốt bằng ngà voi. Nhưng những sợi óng mượt dẻo dai ấy có được do chủ voi lượm nhặt gom góp lông đuôi già rụng để dành, chứ không ai nỡ cắt, nỡ nhổ thậm chí chặt cả đuôi voi, ứng xử tàn bạo với voi như bây giờ.
Giờ đây ở bất cứ nơi nào, chỉ cần vô Google, gõ “Lông đuôi voi” lập tức hiện lên nhan nhản mời chào đủ kiểu dáng kích cỡ các mặt trang sức vàng bạc như nhẫn, bông tai, dây chuyền có lồng sợi lông đuôi voi ngay tại đồng bằng hoặc TP Hồ Chí Minh.
Bà H’Ang Rơyam đau xót ước tính chùm lông đuôi lẫn nhiều sợi màu vàng màu bạc quý hiếm của con H’Khun đáng giá trên 60 triệu đồng, còn chùm lông đuôi dày rậm của con H’Tuk thì lên tới cả trăm triệu. Ông Long kể có nhiều du khách Đài Loan tìm vào buôn Jun, đề nghị chủ voi bán cho vài sợi lông đuôi nhổ ngay từ con voi đang đứng đó, giá sáu trăm nghìn mỗi sợi. Tất nhiên chủ voi lắc đầu!
Sinh voi, sinh vỏ?
Bạn đời của cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, bà H’Ang Rơyam than thở:
- Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị trên quan tâm tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ quanh hồ Lắk để có chỗ thả voi, nhưng nay vùng rừng này đã bị phá gần hết. Không biết mai này lấy chỗ đâu cho voi sống voi ăn. Muốn voi no, đủ dinh dưỡng, hàng ngày đôi voi nhà tôi cần ăn dặm thêm hàng chục buồng chuối chín, mấy tạ khoai bắp bí đỏ, cả trăm thân cây chuối, cả tấn cỏ lá đủ nhai suốt ngày đêm...
Cho dù đã gắng tranh thủ mót nhặt rơm rạ, kiếm le non chuối rừng, rải bắp xen trong rừng trồng, nếu không lấy lãi từ nguồn kinh doanh khác đắp qua, lấy đâu mỗi ngày tiêu cả triệu đồng cho voi ăn và trả lương cho nài giữ voi?
Chúng tôi về huyện Buôn Đôn, cái nôi của nghề săn bắt thuần dưỡng voi, hỏi chuyện ông Voong Nhi K’sơr, phó bí thư thường trực huyện ủy đồng thời là chủ con voi Bạc Khăm 40 tuổi.
Phó Bí thư kiêm chủ voi bày tỏ: Giới chủ voi chúng tôi tha thiết mong các ban ngành chức năng và truyền thông đại chúng tăng cường khuyến cáo người ta không nên tiếp tục mê tín lùng mua và sử dụng lông đuôi voi cũng như các bộ phận khác từ voi.