Theo ông Nguyên, trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán từ 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược.
Lãnh đạo BSR cũng cho hay, do BSR là công ty có quy mô vốn lớn, nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.
“Việc tìm kiếm và lựa chon nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR nâng cấp, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường... BSR thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Nhà nước không giới hạn tỉ lệ thoái vốn tại BSR”- ông Nguyên nói và cho biết Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) mong muốn cổ phẩn hóa càng nhanh càng tốt để kêu gọi các nhà đầu tư tạo ra nguồn lực sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cũng theo ông Nguyên, đến nay BSR đã chọn tư vấn để triển khai phương án thoái vốn tại ba đơn vị mà BSR góp vốn (PV Building, PMS, PVOS) và dự kiến sẽ thực hiện xong trong cuối năm 2017.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị trong thời gian qua, theo lãnh đạo BSR, tính từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) bắt đầu hoạt động năm 2009 đến tháng 5/2017, BSR đã đạt doanh thu 834.000 tỉ đồng, lợi nhuận 13.000 tỉ đồng. Tuy nhiên doanh thu hàng năm có sự biến động, trong đó doanh thu năm 2013 ở mức 155.000 tỉ đồng, năm 2014 là 128.000 tỉ đồng nhưng năm 2015-2016 đã sụt giảm mạnh về mức tương ứng 96.000 tỉ đồng và 74.000 tỉ đồng. Riêng trong 5 tháng đầu năm năm 2017, doanh thu của đơn vị này đạt 35.000 tỉ đồng, vượt 18% so với kế hoạch; Lợi nhuận vượt kế hoạch 1.600 tỉ đồng do tập đoàn PVN giao.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), từ 5/6 đến 26/7/2017, NMLD Dung Quất sẽ thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 3. Trong đó có 7 ngày dừng nhà máy, 38 ngày bảo dưỡng chính và 7 ngày khởi động lại nhà máy.
Đợt bảo dưỡng tổng thể lần này có khoảng 6.000 đầu công việc được chia làm 7 gói thầu. Trong đó, gói thầu số 1 và 2 được coi là phần việc phức tạp nhất vì liên quan đến các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy. Với số đầu công việc lớn nên đợt bảo dưỡng huy động khoảng 4.000 nhân sự của các nhà thầu và của BSR cùng tham gia.
Sau khi hoàn thành bảo dưỡng tổng thể, NMLD Dung Quất sẽ hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên và kéo dài thời gian hoạt động nhà máy sau bảo dưỡng tổng thể từ 3 năm lên 4 năm.
Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3 NMLD Dung Quất được thực hiện trên phạm vi rộng 800 ha khuôn viên nhà máy với hàng trăm nghìn chủng loại thiết bị, vì vậy trong thời gian này NMLD Dung Quất cũng sẽ được đảm bảo an ninh đặc biệt.