Lộ ra một công trình đạo văn

TP - Ông Lê Xuân Thành vừa có thư ngỏ gửi ông Trần Minh Tạo, đồng kính gửi UBND tỉnh, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT-TT, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp “xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm” vụ đạo văn, tuy nhiên lại lộ ra sự việc lớn hơn.

> 'Cần nhận thiếu sót và xin lỗi'

Ông Trần Minh Tạo với tập tài liệu đạo văn của ông.               Ảnh: Sáu Nghệ.

Báo Tiền Phong ra ngày 22 và 24-5 phản ánh, ông Lê Xuân Thành là Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, đã chép lại một bài ký của ông Trần Minh Tạo để đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học số 36 tháng 4 -2012 của Hội, nơi ông Thành làm Thư ký tòa soạn.

Trong thư ngỏ, ông Thành cho biết, bài đạo văn được “trích ra từ Biên niên sử Địa phương quân Hồng Ngự, vừa được nghiệm thu”, do ông Thành và ông Trần Đức Hiển (Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp) thực hiện.

Tập tài liệu “vừa được nghiệm thu” mà ông Thành đề cập, tên đầy đủ là “Biên niên sự kiện lịch sử Đại đội địa phương quân Hồng Ngự”, do Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự, Ban Thường vụ Thị ủy Hồng Ngự, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Hồng chịu trách nhiệm xuất bản.Biên tập là Trần Đức Hiển, Lê Xuân Thành. Trình bày và sửa bản in là Phạm Hải Ất, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồng Ngự.

Sở dĩ cơ quan lãnh đạo ba địa phương cùng chịu trách nhiệm xuất bản, vì hồi chiến tranh cùng chung huyện Hồng Ngự, có Đại đội địa phương quân Hồng Ngự.

Lời nói đầu của tập tài liệu cho biết, một Tổ biên niên lịch sử đã được thành lập và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồng Ngự ký hợp đồng với Tổ này ngày 11-7-2011.

Ngày 16-5-2012, một cuộc hội thảo được tổ chức, tập tài liệu “được nghiệm thu”, dự kiến in và phát hành cuối năm 2012. Tập tài liệu có nội dung chính viết về 33 trận đánh của Đại đội địa phương quân Hồng Ngự, trong đó có 14 trận đánh do ông Trần Minh Tạo viết từ năm 2010. Tập tài liệu dày 103 trang giấy A4, còn tập ký của ông Trần Minh Tạo dày 94 trang A4.

Chỉ xem qua, cũng dễ phát hiện cái công trình của Tổ biên niên lịch sử đã đạo văn của ông Tạo. Bởi các trận đánh viết thêm thì rất sơ sài, nhiều trận chỉ có 2-3 dòng, còn 14 trận đánh trùng với bài ký của ông Tạo thì rất chi tiết, có không gian, có nhân vật.

Như trận “12 ngày đêm máu lửa giữa cù lao Long-Phú-Thuận” trong tập tài liệu dài 12 trang, chép lại nhiều đoạn trong “chống càn 12 ngày đêm giữa cù lao Long-Phú-Thuận” dài 16 trang của ông Tạo.

Ông Tạo kể, khi phát hiện việc đạo văn, ông hỏi một người có trách nhiệm thì được giải thích: Do cùng một trận đánh, cùng người kể lại nên “giống nhau”.

Ông Tạo khẳng định: “Khi so với bài ký trước kia của tôi thì thấy rằng tập tài liệu của ông Hiển và ông Thành tự cho mình là tác giả chỉ là kết quả từ sự trình bày, chỉnh sửa lại một ít từ bản thảo của tôi mà thôi”.

Một nguồn tin của Tiền Phong cho biết, để có tập tài liệu, ba địa phương cấp huyện đã phải góp 210 triệu đồng.

Theo Báo giấy