Về hoạt động, Bộ Công Thương cho biết, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có tổng doanh thu 2.713 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn, chỉ đạt 10,33 tỷ đồng.
“Trong số các công ty liên kết và các công ty có vốn đầu tư dài hạn khác, cơ bản chỉ có hai đơn vị liên tục có lợi nhuận là Công ty Cổ phần Sắn Sơn Sơn và Công ty cổ phần in Phúc Yên. Các đơn vị còn lại, nhiều năm liền Tổng công ty không thu được cổ tức. Vinapaco phải thực hiện trích lập dự phòng một phần hoặc toàn bộ đối với vốn đầu tư tại doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, Công ty Cổ phần BBP”, Bộ Công Thương cho hay.
Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam hiện có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 28,5 lần (năm 2021 là 31 lần, năm 2020 là 29 lần), vượt quá mức 3 lần theo quy định. Tổng nợ phải trả Công ty mẹ - Vinapaco đến 31/12/2021 là hơn 327 tỷ đồng.
Với Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), báo cáo giám sát tài chính cho thấy, tổng doanh thu năm 2022 của đơn vị đạt 254,9 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 14,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ phải trả đến 31/12/2022 lên tới 181,2 tỷ đồng, tổng số nợ phải thu đến ngày là 490,7 tỷ đồng.
Do các công ty con, công ty liên kết làm ăn thua lỗ kéo dài, Vinaincon đã phải trích lập dự phòng dài hạn tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn 200 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Cơ khí Hóa chất Hà Bắc 10 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xây lắp và sản xuất Công nghiệp 14,08 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp hóa chất 4,02 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bê tông ly tâm VINAINCON 5,86 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp 4,56 tỷ đồng...
Hoạt động của Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE), dù không lỗ nhưng bị đánh giá kém do chỉ đạt 105 triệu đồng lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2022. Một số công ty con của MIE cũng gặp khó khăn như Công ty Cơ khí Quang Trung còn tồn tại nợ vay quá hạn liên quan đến “Vụ án ông Nguyễn Duy Xuyên”. Hay tại Công ty Technoimport cũng đang tồn đọng nợ vay quá hạn ngân hàng phát sinh trên 5 năm chưa trả ngân hàng do chưa thu hồi được nợ.
Năm 2022, MIE tiếp tục thực hiện giám sát tài chính đặc biệt đối với 3 đơn vị là Chi nhánh, Công ty Xây lắp công nghiệp và Công ty Technoimport do các công ty bị thua lỗ kéo dài liên tục và chưa thể xử lý các vấn đề tồn tại về tài chính phát sinh.
Trông chờ bán bia, thu lãi từ liên doanh sản xuất ô tô
Bộ Công Thương cũng cho hay, trong số các đơn vị thuộc quyền quản lý, lợi nhuận chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bán bia và làm liên doanh sản xuất ô tô với nước ngoài. Cụ thể, Tổng Công ty Cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) năm 2022 đạt doanh thu hơn 6.461 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 442 tỷ đồng, bằng 135,9% so với cùng kỳ.
Theo Báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty mẹ - Habeco đã kiểm toán, tổng công ty kinh doanh có lãi, các chỉ tiêu tài chính nằm trong phạm vi an toàn theo quy định. Năm 2022, Habeco nhận được cổ tức, lợi nhuận năm 2021 từ phần vốn góp tại các công ty thành viên là 43,5 tỷ đồng. Tổng công ty hiện có vốn góp đầu tư tại 26 công ty, bao gồm 16 công ty con, 6 công ty liên doanh, liên kết và 4 đơn vị đầu tư khác.
“Các chỉ tiêu tài chính về về khả năng thanh toán nợ của Habeco đảm bảo ở mức an toàn theo quy định. Khả năng thanh toán nợ đến hạn là 2,39 lần, khả năng thanh toán nhanh là 2,16 lần, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 0,39 lần. Tổng công ty đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn, không có nợ phải trả quá hạn”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ‘gà đẻ trứng vàng’ của bộ này là Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp (VEAM) vẫn giữ được phong độ trong năm 2022. Tổng doanh thu của VEAM năm qua đạt 6.455 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty đạt 533 tỷ đồng. Số còn lại hơn 5.918 tỷ đồng doanh thu đến từ hoạt động tài chính (chiếm 91,68% tổng doanh thu). Tổng lợi nhuận sau thuế của VEAM lên tới 5.624 tỷ đồng, vượt kế hoạch 25%.
Bộ Công Thương cho biết, dù có lợi nhuận cao nhưng VEAM vẫn còn nhiều tồn tại từ các năm trước chưa được giải quyết, xử lý, hoạt động sản xuất của công ty mẹ chưa đạt hiệu quả theo kế hoạch đề ra. Lợi nhuận chủ yếu đến từ phần lãi được chia tại công ty liên doanh Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam.
Trong số 5 công ty con có 100% vốn góp của VEAM, chỉ có Công ty DISOCO có lãi. 2 công ty và 1 Viện nghiên cứu dù có lãi nhưng còn lỗ luỹ kế là Công ty SVEAM, Công ty TAMAC và Viện Công nghệ. Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo năm qua phát sinh lỗ và lỗ lũy kế.
Trong 8 công ty con VEAM có vốn góp trên 50% vốn điều lệ, 6 công ty có lãi trong năm 2022, 2 Công ty có lỗ lũy kế là Công ty Veam Korea và Công ty Cổ phần Cơ khí Vinh. Trong 6 công ty liên kết VEAM có vốn góp dưới 50%, có 4 công ty có lãi. 2 công ty lỗ trong năm 2022 và có lỗ luỹ kế là Công ty Cổ phần Nakyco, Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng.
Theo báo cáo, tại ngày 31/12/2022, tổng khoản mục phải thu của VEAM là 3.487,5 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu cổ tức của Công ty Honda là 2.189,9 tỷ đồng, lãi dự thu tiền gửi ngân hàng là 437,4 tỷ đồng, còn lại là các khoản phải thu khác; đã bao gồm trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 397,9 tỷ đồng.