Lo chống dịch trên biên giới, hàng chục quân nhân biên phòng hoãn đám cưới

TPO - Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, tính tới thời điểm này, có 27 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phải dời ngày cưới; 20 trường hợp vợ mới sinh con trong tháng 2 và tháng 3 nhưng không thể về nhà vì thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19…
Lực lượng Biên phòng tuần tra kiểm soát và chống dịch COVID-19 trên sông biên giới Ka Long (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Minh

Theo đó, 11 quân nhân có kế hoạch tổ chức lễ cưới trong tháng 3, 15 người tháng 4 và một người tháng 5 phải hoãn ngày thành hôn để tập trung chống dịch trên các tuyến biên giới cả nước.

Để thực hiện nhiệm vụ, 20 quân nhân biên phòng cũng không thể về nhà khi vợ sinh con trong tháng 2 và tháng 3. Điển hình như thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Lâm, cán bộ tăng cường Tiểu đoàn huấn luyện cơ động BĐBP Quảng Ninh (vợ sinh con ngày 7/2); thượng úy Bùi Thế Trọng, Phó trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Luân thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh (vợ sinh con ngày 15/2); thượng úy Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Tân Bình, BĐBP Tây Ninh (vợ sinh con ngày 10/3); trung úy Đường A Liều, nhân viên Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Trịnh Tường, BĐBP Lào Cai (vợ sinh con ngày 11/3)…

Bên cạnh đó, một số quân nhân có hoàn cảnh hậu phương éo le như có người thân qua đời, vợ sảy thai… nhưng cũng phải “gác niềm riêng lo việc chung” trong tình hình dịch bệnh căng thẳng và nhiệm vụ cấp bách.

Một quân nhân biên phòng thuộc tổ công tác ở chốt 1302 (Bình Liêu, Quảng Ninh) ra suối cách chốt 2k giặt quần áo vì chốt không có điện, nước. 

Chia sẻ với PV Tiền Phong, thượng tá Đỗ Thái Bình Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn (BĐBP Quảng Ninh) cho biết: Thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lệnh cho tất cả các đồn, trạm trên tuyến biên giới, cửa khẩu Quảng Ninh tăng cường ứng trực 100 phần trăm quân số, kết hợp với lực lượng tuyến sau lên chi viện để “khóa” biên giới.

Theo thượng tá Vương, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tháng 2 vừa qua, thượng uý Trần Tiến Dương quê ở Gia Viễn, Ninh Bình là cán bộ tổ công tác biên phòng Đại Vai của đồn nhận tin mẹ đẻ vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tiểu cầu cao. Không về được, thượng úy Dương gửi gắm trách nhiệm báo hiếu mẹ vào chị gái, em trai và vợ, dù vợ anh cũng đang nuôi con còn rất nhỏ.

Cũng trong đợt chống dịch này, một quân nhân khác của Đồn Bắc Sơn là thiếu tá Trương Văn Hưng (quê Hưng Yên), Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Hải Yên nhận hung tin em rể mất vì tai nạn giao thông nhưng cũng không thể về vì nhiệm vụ cấp bách.

Thượng uý Bùi Thế Trọng, Phó trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Luân của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, ngày 15/2, khi đang hướng dẫn hàng nghìn công dân từ Trung Quốc về làm thủ tục kiểm tra y tế, anh nhận điện thoại của mẹ báo tin vợ sinh con gái lúc 7 giờ sáng.

Thượng úy Trọng tâm sự: "Tôi định dành phép để khi vợ đẻ thì xin nghỉ về chăm sóc nên tết vừa rồi ở lại trực. Năm 2017, lúc vợ tôi sinh con trai đầu lòng thì tôi đang công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu mình không làm gương, đòi về thăm vợ con, thì anh em khác cũng có việc gia đình sẽ nghĩ như thế nào?".

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP cho biết: Trên dọc tuyến biên giới đất liền, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, các đơn vị đã tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới; tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch đạt hiệu quả tích cực. Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường và các đơn vị tuyến biển đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh… Nhiều đồng chí đã gác lại tình cảm riêng, hoãn làm đám cưới, không về tổ chức lễ cưới con, đưa con bị ốm nặng đi bệnh viện chữa trị… để ở lại cùng đồng đội tham gia phòng, chống dịch.