Khó xử lý
Ngày 9/4, trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Lê Chí Cao, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 (PCCC số 3, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nguyên nhân 2 vụ cháy ở khu vực quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm cuối tuần qua vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Theo ông Cao, chưa có số liệu thống kê cụ thể về thiệt hại tài sản do 2 vụ hỏa hoạn gây ra. Trước đó, vụ cháy thứ nhất xảy ra ngày 6/4 tại một kho chứa nội thất ô tô ở số 76 Trần Kim Xuyến, khu đô thị mới Yên Hòa.
Vụ cháy thứ 2 quy mô lớn hơn tại một dãy nhà kho chứa nhiều loại hàng hóa như điều hòa, máy giặt, đồ điện tử, các mặt hàng nhựa...ở lô E1.2 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.
Nhận được tin báo, hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị Cảnh sát PCCC số 3, số 9, Đại học PCCC, Bộ tư lệnh thông tin,...cùng chục xe chữa cháy chuyên dụng đã được huy động tới hiện trường để dập lửa. Phải mất nhiều giờ, ngọn lửa mới được dập tắt. Ước tính thiệt hại ban đầu lên tới hàng tỷ đồng sau 2 vụ hỏa hoạn trên.
Khi được hỏi về chủ các kho xưởng trên cũng như các giấy phép đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đại tá Lê Chí Cao đề nghị phóng viên liên hệ với phía công an điều tra của 2 quận để làm rõ. Ông Cao khẳng định, các kho xưởng này từng được kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và có hồ sơ đầy đủ?!
Theo tìm hiểu của phóng viên, lô đất E1.2 thuộc “dự án treo” Nam Đàn Plaza. Năm 2002, Cty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương được UBND thành phố Hà Nội quyết định cho thuê 9.584m2 đất tại xã Mỹ Đình (nay thuộc phường Mỹ Đình 1) để xây Trung tâm Tang lễ văn minh.
Theo quyết định số 7100 năm 2002 của UBND Thành phố Hà Nội thì dự án Nam Đàn Plaza có thời gian thuê đất 30 năm. Bốn năm sau, dự án được chuyển đổi từ trung tâm tang lễ thành tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, được khởi công xây dựng từ năm 2008, theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010.
Thế nhưng, năm 2010, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5, một cổ đông lớn của dự án này bị bắt trong vụ lừa bán khống đất dự án Thanh Hà-Cienco5, hàng loạt cổ đông lớn từng góp vốn đầu tư tại đây tìm cách thoái vốn khỏi dự án.
Trong quá trình dự án bị “treo”, chủ đầu tư đã cho nhiều đơn vị thuê đất làm sân bóng, kho xưởng tập kết hàng hóa, gara ô tô. Sau nhiều lần trục trặc, bây giờ chủ đầu tư chính thức của dự án là Cty CP địa ốc dầu khí viễn thông (PVT).
Ông Chu Văn Đức, đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm cho hay: “Chúng tôi đang cử lực lượng xuống xác minh, khi nào có thông tin sẽ báo lại sau. Lợi dụng việc xây công trình tạm để phục vụ công trình chính, họ (tức chủ đầu tư-PV) đã cho thuê làm kho xưởng. Do đây là khu vực “đất vàng”, hồ sơ giấy tờ phức tạp, đến giờ phút này chúng tôi cũng chưa thấy chủ đầu tư trình bất cứ giấy tờ gì để thi công dự án”.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Thái, cán bộ phụ trách xây dựng đô thị phường Mỹ Đình 1 lại viện lý do: Các kho xưởng mọc lên từ trước khi tách phường Mỹ Đình ra Mỹ Đình 1 và 2. Sau khi tiếp nhận, phường cũng đã rà soát, báo cáo sai phạm lên quận và thành phố, kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan cấp trên đốc thúc cho dự án được triển khai đúng tiến độ, nếu không phải có biện pháp xử lý theo pháp luật như thu hồi dự án hay chuyển đổi mục đích khác.
Cháy nhà mới lộ đất sai phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, quận Cầu Giấy được xem là nơi tập trung nhiều gara ô tô, bãi đỗ xe nhất Hà Nội. Hầu hết các lô đất dự án chưa được triển khai trên địa bàn quận này đều được chủ đầu tư cho thuê làm kho xưởng, bãi rửa xe, gara ô tô, sân bóng. Tại khu vực phường Trung Hòa và Yên Hòa có thể liệt kê hàng loạt sân bóng như: Sơn Trang 2, Bách Việt 2, Minh Kiệt, Phúc Anh, Trang Anh... Ngoài ra, hàng loạt gara, cửa hàng ô tô, bãi trông giữ xe trái phép cũng mọc lên trên các lô đất A7, E3, E4, E5, D34 (cùng thuộc phường Yên Hòa).
Trước đó, trả lời báo chí, ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa thừa nhận: Các bãi gửi xe, sân bóng và gara ô tô xây dựng trên đất dự án đều không có giấy phép. Phường đã phối hợp với các lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông nhiều lần lập biên bản xử lý vi phạm. Khi được phóng viên Tiền Phong hỏi “tại sao xử phạt rồi vi phạm vẫn tái diễn”, ông Kiên đề nghị phóng viên đến đặt lịch làm việc trực tiếp, không trao đổi qua điện thoại.
Còn nhớ, vụ hỏa hoạn ngày 18/10/2014 tại lô E5 đã thiêu rụi một dãy kho xưởng rộng 3.000m2 thuộc lô đất hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Công ty CP bất động sản Điền An. Thiệt hại ước tỉnh khoảng 5 tỷ đồng. Các công trình trên lô đất là các nhà tạm, kết cấu mái tôn, khung cột thép đang làm nhà xưởng, showroom ô tô, dịch vụ ăn uống.
Sau khi vụ cháy xảy ra, UBND quận Cầu Giấy đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc sử dụng đất của Handico và phát hiện khu đất E3, E4, E5 không được sử dụng vào mục đích kinh doanh nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, tại khu đất này lại mọc lên rất nhiều nhà hàng quán ăn, trái với quy định của thành phố. Lãnh đạo quận lúc đó cho biết, sẽ cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm. Chỉ được một thời gian sau, các hàng quán, gara ô tô, bãi trông giữ xe, kho xưởng... lại hoạt động tấp nập trở lại.