Để viết cuốn Lịch sử vợ, tác giả đã tìm hiểu, khám phá vai trò của người vợ trong các nền văn hóa khác nhau, tìm hiểu đời sống muôn hình vạn trạng các kiểu vợ trong những cảnh ngộ, trạng thái khác nhau. Từ vợ linh mục đến vợ người đàn ông thế tục. Từ vợ tổng thống đến vợ dân thường, thương nhân và thợ thủ công. Từ vợ da trắng đến vợ da màu, vợ công dân tự do đến vợ nô lệ... qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong cuốn sách, tác giả đã chia khảo cứu thành một số thời kỳ như:
Thời Hy Lạp, La Mã cổ đại: vợ thường bị xem như tài sản của chồng, phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông trong gia đình cả về mặt kinh tế lẫn tình cảm. Hôn nhân thường được xây dựng vì mục đích liên minh chính trị giữa các gia tộc hơn là tình yêu. Dẫu thế, ở thời La Mã, tình cảm vợ chồng đã được coi là điều đáng ham muốn và có những cặp vợ chồng huyền thoại đồng sinh đồng tử như Antony và Cleopatra.
Thời Trung cổ và Phục hưng: vợ vẫn bị xem là tài sản của chồng. Hôn nhân vẫn mang tính chất liên minh chính trị, nhưng vị thế của người vợ có phần được nâng cao hơn. Đặc biệt, trong thời Trung cổ, diễn ngôn tôn giáo bao trùm đời sống xã hội, ca tụng sự trinh trắng và tìm cách đè nén khiến con người xấu hổ, che giấu khoái lạc trong tình dục song vẫn có những người vợ để lại bằng chứng về khát khao nhục cảm mãnh liệt đối với chồng. Đây cũng chính là thời kỳ ra đời tình yêu lãng mạn kiểu hiệp sĩ gắn với một thể loại văn học được xem là do phụ nữ tạo ra.
Thời Cách mạng công nghiệp: người phụ nữ có điều kiện tiếp cận với giáo dục nhiều hơn, địa vị của họ cũng được nâng cao. Phụ nữ nói chung và người vợ nói riêng tham gia thường xuyên hơn vào các diễn ngôn chính trị. Sự bùng nổ của nhiều cuộc cách mạng xã hội trong đó có cả phong trào nữ quyền bắt đầu đặt nghi vấn về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Phụ nữ bắt đầu yêu cầu quyền ly hôn và tự quyết định cuộc đời.
“Cuốn sách không chỉ cung cấp một bức tranh toàn diện về sự thay đổi trong vị trí và quyền lợi của phụ nữ, mà còn mở ra các cuộc đối thoại về quyền bình đẳng giới”.
Dịch giả Nguyễn Thị Minh
Thế kỷ XX: Hai cuộc Thế chiến đã làm thay đổi rất nhiều khía cạnh trong đời sống lẫn địa vị của phụ nữ và người vợ. Chồng và vợ cùng san sẻ các trách nhiệm và nghĩa vụ trong gia đình, từ việc chăm sóc con cái đến việc kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Vợ trở thành một cá nhân độc lập với sự nghiệp và ước mơ riêng.
Bằng vô số khảo cứu hết sức công phu, tác giả chứng minh “vợ” là một phạm trù có tính lịch sử. “Sử tính” của vợ ít nhất gắn với hai điều. Thứ nhất, các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hình thành nên hoàn cảnh làm vợ, cùng những kiến tạo văn hóa quy định thế nào là vợ tốt/xấu thay đổi theo thời gian, không gian, văn hóa. Không có quy chuẩn duy nhất, bất biến cho điều này. Thứ hai, cách những người vợ nhận thức về bản thân mình và xoay xở trong định chế hôn nhân, gia đình, cũng như tuân phục và thách thức các kỳ vọng, khuôn mẫu ở các thời đại cũng khác nhau.
Cuốn Lịch sử vợ do dịch giả Nguyễn Thị Minh chuyển ngữ ra tiếng Việt. Theo dịch giả, Lịch sử vợ tập trung vào hình ảnh vợ trong thế giới phương Tây nhưng rất nhiều điều thú vị trong sách có thể làm dữ liệu cho những so sánh liên văn hóa. Những vấn đề tác giả nói về tầm quan trọng của việc sinh con đối với người phụ nữ mang thân phận làm vợ suốt từ thời cổ đại cho đến hiện đại có thể được hình tượng hóa trong nhiều tác phẩm văn chương Việt Nam.
Lịch sử vợ do NXB Phụ Nữ Việt Nam xuất bản và phát hành từ đầu tháng 11/2024.