Đó mới là bề nổi, còn bao nhiêu của cải “chìm” khác nữa, với một quan chức cấp huyện, mà sai phạm theo điều tra ban đầu mới chỉ liên quan đến cái chức bé hơn là Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long mà ông này từng kiêm nhiệm?
Vẫn sốc, cho dù giờ đây cảnh tượng những lâu đài, biệt điện, biệt phủ cho tới tài sản nghênh ngang phô bày của không ít quan chức không còn là điều quá lạ lẫm. Cũng không lạ, khi mà trong dàn xế xịn 4 chiếc trị giá hàng triệu đô la trong nhà cựu quan chức vừa bị bắt trên, thì 3 chiếc đắt tiền nhất lại đứng tên những người/doanh nghiệp khác “gửi nhờ”!
Điều lạ nhất với những đảng viên chân chính, là đã qua bao nhiêu lượt kê khai tài sản của cán bộ mà vẫn để “lọt lưới” những khối tài sản kếch xù như vậy? Các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan pháp luật vẫn không thấy có điều gì bất thường? Điều lạ nhất với người dân, cũng chính là nỗi băn khoăn, nhức nhối, đó là vì sao vẫn không/chưa thể thu hồi tài sản của các quan tham một cách đích đáng so với những gì bọn họ đã tìm cách tham ô, tham nhũng, cướp đi của nước của dân?
Theo thống kê, trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Giai đoạn 2013-2020, nhờ quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ này đã đạt hơn 26%. Nhưng xem ra, mức độ này vẫn chưa thể làm chùn tay những kẻ luôn xem tiền bạc, đất đai còn quý hơn cả sinh mạng. “Hy sinh đời bố…” để vinh thân phì gia nhiều đời, thì những án tù, kể cả án tử cũng không khiến họ chùn bước, e sợ.
Không nói thì ai cũng hiểu, đó chính là phải tịch thu toàn bộ tài sản do những hành vi bất minh mà có! Với hạng người này, đó mới thực sự là bản án đau đớn nhất.
Nên không ngạc nhiên khi tội phạm kinh tế, tham nhũng thường “đi trước một bước” trước cơ quan điều tra, đa phần tài sản đã được tẩu tán, chuyển đổi hình thức sở hữu, chuyển ra nước ngoài, và cuối cùng là lệnh truy nã quốc nội, quốc tế khi đối tượng đã kịp “cao bay xa chạy”…
Thực tế hiện nay, hệ thống luật pháp Việt Nam về việc thu hồi tài sản tham nhũng cơ bản vẫn theo phương pháp truyền thống, đó là dựa vào thủ tục tố tụng hình sự. Dẫn đến quá trình chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản do phạm tội mà có thường kéo dài, không theo kịp các chiêu đối phó tinh xảo của tội phạm. Trong khi Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là một thành viên, đang khuyến nghị các nước thành viên cần có cách tiếp cận mới, đó là thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội. Đây được xem là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước khi có thể khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt mà các đối tượng bị thu hồi không được hưởng quyền miễn trừ.
Bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, linh hoạt các biện pháp xử lý, cập nhật các cơ chế mới triệt để thu hồi tài sản bất minh chính là mấu chốt nhất để ngăn chặn quốc nạn tham nhũng hiện nay.
Không chỉ các lệnh khởi tố hay truy nã, mà còn cần có những lệnh thu hồi.