Lễ tang Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo theo nghi thức cấp cao

TPO - Sáng 18/9, lễ tang Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, được cử hành theo nghi thức cấp cao tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Lễ tang Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khóa IV, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Lễ tang Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức. Ban Tổ chức Lễ tang gồm 15 thành viên; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng ban.

Lễ viếng diễn ra vào hồi 7h ngày 18/9 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h30. An táng tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hoà Bình).

Đồng chí Nông Đức Mạnh – nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng; đồng chí Trương Tấn Sang – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Võ Văn Thưởng – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân – Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, gửi vòng hoa kính viếng.

Đoàn Ban Bí thư T.Ư Đảng do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư dẫn đầu vào viếng.

Đoàn Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng do đồng chí Lại Xuân Môn – Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng, dẫn đầu vào viếng.

Đoàn đại biểu T.Ư Đoàn gồm Ban Bí thư T.Ư Đoàn, các nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đại diện thường trực Đảng ủy, trưởng các đoàn thể và trưởng các ban, đơn vị T.Ư Đoàn vào viếng.

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo nguyên là: Ủy viên T.Ư Đảng khóa IV, Trưởng ban Khoa giáo T.Ư Đảng (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trước đó, ông có gần 30 năm công tác trong quân ngũ và trải qua nhiều cương vị khác nhau: Chính trị viên Tiểu đoàn rồi Chính ủy Trung đoàn 88; Chủ nhiệm Chính trị Đại đoàn Quân tiên phong F308; Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị; Chính ủy Sư đoàn 308; Chính ủy Cục Công binh Bộ Tổng tham mưu; Chính ủy Sư đoàn 330; Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Tây Bắc; Thư ký Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Chính ủy kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự).

Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương như: Huân chương Hồ Chí Minh; huân chương Độc lập hạng nhất; huân chương Quân công (hạng nhất, nhì, ba); huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Do tuổi cao sức yếu, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo đã từ trần vào hồi 9h02 ngày 15/9 (tức ngày 13/8 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 97 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đọc điếu văn truy điệu Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo.
Các đại biểu và gia đình dành phút mặc niệm Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo trong lễ truy điệu.
Ông Đặng Quốc Trung, đại diện gia đình nói lời cảm tạ trong lễ truy điệu Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h30; an táng tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hoà Bình).
TÓM TẮT TIỂU SỬ THIẾU TƯỚNG ĐẶNG QUỐC BẢO


Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, sinh ngày 1/5/1927. Dân tộc: Kinh.

Quê quán: xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Nơi ở hiện nay: Số 17 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

Thành phần gia đình: Nho giáo

Đồng chí tham gia cách mạng từ tháng 5/1945 và trong năm đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IV; Đại biểu Quốc hội khóa VIII.

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

- Năm 1937: Liên lạc viên cho tổ chức Đảng ở Nam Định và Hải Phòng.

- Từ năm 1942 - 1944: vừa đi học vừa hoạt động cách mạng gây cơ sở ở Hà Nội, Hà Đông, Xuân Trường - Nam Định.

- Từ năm 1945: thoát ly hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, tham gia tuyên truyền vũ trang, gây cơ sở cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa và tham gia khởi nghĩa, xây dựng chính quyền ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

- Từ sau Cách mạng tháng 8/1945 - 1/1947: Bí thư phủ bộ thư Việt Minh (huyện ủy) Xuân Trường, ủy viên Ủy ban bảo vệ thành phố Nam Định, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.

- Từ tháng 2/1947: tham gia quân đội trong kháng chiến toàn quốc chống Pháp, với tư cách phụ trách trường quân chính, chính trị viên tiểu đoàn 1, trung đoàn 140.

- Từ tháng 7/1949 - 4/1954: Chính ủy Trung đoàn 88, sư đoàn 308, bí thư đảng ủy Trung đoàn.

- Từ tháng 4/1954 - 6/1955: Phó Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 308, Chủ nhiệm chính trị mặt trận III.

- Từ tháng 7/1955 - năm 1957: Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam,

- Từ tháng 11/1957 - năm 1962: Chính ủy sư đoàn 308.

- Từ tháng 12/1962 – 1/1964: Chính ủy Cục Công binh, Bí thư Đảng ủy Cục.

- Từ tháng 2/1964 – 4/1965: Học viên Học viện cao cấp quân chính Bắc Kinh.

- Từ tháng 5/1965 – 6/2066: Chính ủy Sư đoàn 330, Bí thư Sư đoàn ủy, quân khu III.

- Từ tháng 7/1966 – 2/1968: Chủ nhiệm chính trị Quân khu Tây Bắc.

- Từ tháng 3/1968 – 9/1976: Hiệu trưởng, kiêm Chính ủy Trường Đại học kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự);

Năm 1974 được phong quân hàm Thiếu tướng.

- Tháng 9/1976: Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IV.

- Từ tháng 1/1977 – 8/1982: Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IV.

- Từ tháng 8/1982 – 1/1987: Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.

- Từ tháng 1/1987 – 12/1991: Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa VIII.

- Từ tháng 1/1992 – 9/2002: cán bộ nghiên cứu Ban Khoa giáo Trung ương và cuối năm 2002 nghỉ hưu tại địa phương.

Với những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.

Huy hiệu 40, 50, 60, 70, 75, 80 năm tuổi Đảng.