Lễ Mừng cơm mới của người Mường ở Hòa Bình thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, vào độ tháng 10 âm lịch, lúc này các gia đình tự tổ chức hoặc mời Thầy về làm lễ nhằm tạ ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, dân mường có cuộc sống ấm no, đủ đầy
Đến mùa lúa chín, chủ gia đình chọn ngày tốt ra thăm ruộng, ngắt bảy hoặc chín bông lúa nếp cái đẹp tượng trưng cho bảy vía hoặc chín vía lúa ở ruộng nhà mình tết thành một bó nhỏ đem treo ở đầu cột cái trong nhà nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau nghi thức này mọi người mới được ra đồng gặt lúa. Sau khi thu hoạch mùa bà con làm lễ cúng cơm mới. Mâm cỗ cúng phải đầy đủ gồm: cơm non, cá nướng, thịt lợn và hai món chính bắt buộc đó là cơm non và cá nướng.
Lễ này từ xa xưa chủ yếu là phần lễ (nghi thức, cách thức, nghi lễ bày biện) để thầy mo, thầy cúng hay thầy trượng làm các thủ tục cúng lễ theo phong tục truyền thống. Phần hội gần như bị mờ nhạt mà chủ yếu là bà con họ hàng gia đình dân làng đến chơi (vì tổ chức từng gia đình) họ mang cồng chiêng và ban nhạc cò ke ống sáo ra cùng nhau sắc bùa vui chơi trong một ngày, thường kết thúc vào buổi tối. Trong dân gian họ chỉ gọi chung là "Ăn cơm mới" hay lễ mừng cơm mới, họ không gọi là "lễ hội" mà là hội nằm trong lễ.
Lễ mừng cơm mới diễn ra tại không gian làng dân tộc Mường, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được chuẩn bị với các món ngon nhất, đẹp nhất cúng đất trời, mời tổ tiên, cảm tạ các vị thần đã mang đến cho gia đình, bản làng vụ mùa no ấm, cầu mong cho các dân tộc anh em ăn nên làm ra, ăn yên ở lành, may mắn hạnh phúc và trừ khử các loại xấu theo phong tục và tâm linh dân tộc Mường.
Người Mường xưa cứ sau khi gặt hái vụ mùa là các gia đình chuẩn bị lễ mừng cơm mới trước hàng tháng gồm: Gạo nếp mới, gạo tẻ mới, lá Troông (lá mầu), rượu mới (nấu bằng gạo nếp mới), thực phẩm gà, vịt, cá, măng, mộc nhĩ, nấm hương, các loại gia vị, trầu cau, chuẩn bị tre, trúc đan mâm và dàn để mâm cúng lễ, các loại công việc khác như rượu cần, đan khuốc, đan kha,... Toàn bộ công việc trên đầy đủ cho 4 mâm cúng lễ (các lễ vật phải đầy đủ trước khi tổ chức lễ cúng). Một mâm đầy đủ nghi lễ cho ông công thần linh Thổ công- bản thổ- thổ địa, bà Chúa Thác Bờ và các thần khác. Một mâm cho gia tiên, thành hoàng, Bác Hồ.
Nội dung thầy cúng khấn với ý nghĩa: lúa gạo là tinh hoa của đất trời, là sản phẩm nuôi sống con người và hôm nay con cháu mang những gì ngon nhất, đẹp nhất cúng trời đất, mời tổ tiên, cảm tạ các vị thần đã mang đến cho gia đình, bản làng vụ mùa no ấm. Cầu tổ tiên, thần thánh phù hộ cho mùa màng tiếp theo được mưa thuận gió hoà.
Lễ mừng cơm mới là một nét đẹp trong văn hóa của người Mường bởi qua đó thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu kính với tổ tiên, ông bà cha mẹ, thể hiện tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm luôn gắn kết bền chặt.
Sau phần cúng lễ, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức thành quả lao động của mình. Trong bữa ăn mừng cơm mới thường có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu tụ họp vui vẻ, hàng xóm cũng có thể đến chung vui, họ dành cho nhau những lời hay ý đẹp, động viên nhau cố gắng trong những mùa vụ tiếp theo. Cuối cùng, khi đã hoàn tất các nghi lễ, các gia đình đều lựa chọn một vài bó lúa giống tốt để lên gác bếp để giữ vía lúa với tràn trề hi vọng một mùa bội thu mới đang đợi.